Những năm gần đây, công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đờn ca tài tử (ĐCTT) tại TPHCM đã được thực hiện khá tốt với sự quan tâm của các cấp chính quyền và cộng đồng người dân. Mới đây, tại buổi họp mặt nghệ nhân ĐCTT và trao đổi giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ĐCTT do Sở VH-TT-DL TPHCM tổ chức, rất nhiều vấn đề đã được đặt ra.
Bao giờ đãi ngộ nghệ nhân dân gian?
Soạn giả Ngô Hồng Khanh tâm tư: “ĐCTT là di sản văn hóa phi vật thể. Muốn bảo tồn được nó phải thông qua vật thể, đó chính là con người. Không bảo vệ, không giữ được những vốn quý vật thể này, chúng ta sẽ mất phi vật thể”. Hầu hết, đại biểu có mặt tại buổi họp mặt đều đồng tình với quan điểm này và cho rằng việc xét tặng danh hiệu cho các nghệ nhân và có chế độ chính sách đãi ngộ thích hợp là việc cần làm ngay, không nên chậm trễ.
Trong thực tế, theo thời gian, nhiều nghệ nhân dân gian giỏi nghề vì tuổi cao sức yếu đã qua đời, các bậc trưởng bối trong lĩnh vực ĐCTT, những “báu vật nhân văn sống” - theo cách gọi của UNESCO - đã dần mai một. Chậm chân ngày nào là nguy cơ thất truyền sẽ ngày càng cao. Từ nhiều năm nay, những người có nhiều đóng góp cho ĐCTT chỉ mới được công nhận là nghệ nhân dân gian do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng.
Việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú và chế độ chính sách hỗ trợ các nghệ nhân dù đã được quy định rõ ràng tại chương 3, Luật Di sản văn hóa năm 2009 và chương 2 Nghị định 98/2010/NĐ-CP, tuy nhiên việc thực hiện trên thực tế gặp không ít khó khăn.
Cùng với những bức xúc về chế độ chính sách và phong tặng danh hiệu nói trên, vấn đề được nhiều người trong giới quan tâm là cần sớm có sự thống nhất một cách khoa học, có quy chuẩn về bài bản, nhịp điệu, câu cú, nguyên lý giữa đờn và ca… trong nghệ thuật ĐCTT. Soạn giả Ngô Hồng Khanh băn khoăn: “Ngay cả ban giám khảo của các cuộc thi, liên hoan ĐCTT cũng có những tranh cãi trái chiều về chuẩn mực của ĐCTT thì e rằng việc bảo tồn và phát triển sẽ gặp không ít khó khăn”.
Cùng ý kiến trên, nghệ sĩ Hải Phượng cho biết thêm: “Khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc giảng dạy ĐCTT là thiếu sự nhất quán trong bài bản. Cần thiết phải có quy chuẩn và tư liệu thống nhất, ví như quy tắc mở nhịp trong bài bản tài tử chẳng hạn, đối với nhịp 2 như thế nào, rồi nhịp 4 ra sao?.. Chúng tôi thường xuyên rơi vào tình huống bối rối khi phải giải đáp những thắc mắc của sinh viên hoặc người nước ngoài muốn tìm hiểu về ĐCTT. Mỗi nghệ nhân có một cách giải thích khác nhau theo quan điểm và cách nhìn của mình”.
Đưa âm nhạc tài tử vào trường học
Theo số liệu mới nhất về hoạt động nghệ thuật ĐCTT trên địa bàn TPHCM, hiện đang có 118 CLB ĐCTT với hơn 2.000 tài tử đờn, tài tử ca tham gia sinh hoạt và nhiều hoạt động hội thi, liên hoan… liên tục được tổ chức. Con số tuy có khá lạc quan nhưng thực tế cho thấy, không ít cuộc liên hoan, hội thi chỉ đậm tính phong trào, đơn giản và hời hợt. Có trường hợp địa phương thành lập CLB ĐCTT để biểu diễn phục vụ là chính (kiểu tâm lý quận, huyện khác có CLB ĐCTT thì quận, huyện mình cũng phải có) chứ chưa thực sự là điểm hẹn của những người yêu thích ĐCTT.
Một ý kiến đáng lưu tâm là ĐCTT hiện nay có rất nhiều những giọng ca hay nhưng lại thiếu trầm trọng những tay đờn. Khó là ở chỗ, chỉ mất khoảng 6 tháng là có thể học ca được tài tử, trong khi người học đờn phải tốn ít nhất là 3 năm, thậm chí lâu hơn để học đờn những bài bản này.
Nhạc sĩ Nhứt Dũng, giảng viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, nói thêm: “Có trường hợp người theo học đờn ít chịu đầu tư thời gian, học hỏi bài bản nên trình độ của một bộ phận nhạc công chưa cao, nếu không muốn nói là khá yếu và không rành bài bản tài tử”.
Thực trạng này không khó lý giải bởi hầu hết các tài tử đờn, tài tử ca, thậm chí nhiều nghệ nhân ĐCTT cũng không sống được bằng ĐCTT. Do vậy, một số người theo học nhạc cụ dân tộc chỉ muốn học một vài bài đơn giản, chủ yếu để biểu diễn kiếm tiền.
Soạn giả Ngô Hồng Khanh cho biết, từ nay đến tháng 5, Trung tâm Văn hóa TPHCM sẽ tổ chức 5 lớp chuyên dạy đờn và 5 lớp chuyên dạy ca tài tử, trước mắt là dành cho người dân ở 56 xã xây dựng nông thôn mới của TPHCM.
Theo Sở VH-TT-DL TPHCM, đơn vị này đang phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức thí điểm dạy ca và nhạc cổ cho học sinh một số trường tiểu học trên địa bàn TPHCM. Song song đó, Nhạc viện TPHCM cũng vừa hoàn tất đề án dạy cho học sinh mẫu giáo làm quen với âm nhạc dân tộc và ĐCTT, đề án sẽ được hoàn thiện, đưa vào thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM, cho biết: “Những vấn đề liên quan đến việc phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân sẽ được đặt ra trong phiên họp đại biểu Quốc hội vào tháng 5 tới đây, để sớm có giải pháp phù hợp”.
MINH AN