Bảo tồn và phát triển tác phẩm

Một trong những sự kiện văn hóa đáng chú ý trong tuần qua là việc Nhà xuất bản (NXB) Trẻ ký tác quyền trọn đời với nhà văn Trần Kim Trắc. Theo đó, NXB Trẻ sẽ được toàn quyền sử dụng 19 tác phẩm, đa phần là truyện ngắn của nhà văn bắt đầu từ tháng 11-2015. Ngay sau khi ký hợp đồng, NXB Trẻ đã trao cho nhà văn số tiền 100 triệu đồng, tạm gọi là trả trước tiền tác quyền các tác phẩm xuất bản.

Cần phải nhắc lại rằng, nhà văn Trần Kim Trắc không phải là tác giả đầu tiên được NXB mua tác quyền trọn đời. Trước đó, NXB Trẻ đã ký tác quyền đối với một loạt các cây bút tên tuổi khác như nhà văn Trang Thế Hy, vợ chồng nhà văn - nhạc sĩ Lê Giang - Lư Nhất Vũ, nhà văn Mạc Can hay lâu nhất là nhà văn Sơn Nam (3-2003). Ngoài ra, đơn vị này còn ký độc quyền một phần các tác phẩm của nhiều tác giả khác.

Không chỉ NXB Trẻ, NXB Kim Đồng cũng tiến hành nhiều ký kết với các tác giả theo hình thức mua bản quyền hoặc ưu tiên. Với hình thức ưu tiên, NXB có thể xuất bản mà không cần xin phép, chỉ cần thông báo cho người sở hữu tác quyền (tác giả hoặc người thân); được ưu tiên trong trường hợp có nhiều đơn vị thương lượng mua bản quyền nhưng không độc quyền, tác giả vẫn có quyền chọn đơn vị khác để xuất bản. Những tác giả đã ký với NXB Kim Đồng có những cái tên nổi bật như Thy Ngọc, Trần Hoài Dương, Vũ Hùng, Hoài Anh, Xuân Sách…

Không chỉ có các NXB, các đơn vị làm sách cũng tham gia ký kết tác quyền với những tác giả nổi tiếng trước đây như trường hợp Công ty sách Phương Nam với ký kết cùng các nhà văn Bà Tùng Long, Tô Hoài, Nguyễn Mộng Giác…

Có thể có nhiều người đặt câu hỏi, đơn vị làm sách mua tác quyền của tác giả thì có gì lạ? Đây chẳng phải chỉ là một hoạt động bình thường trong lĩnh vực xuất bản? Thế nhưng, thực tế lại khác.

Tất cả các nhà văn kể trên đều là những tên tuổi lớn trên văn đàn, giá trị những tác phẩm của họ đã được khẳng định theo thời gian. Tuy nhiên, họ đều có một điểm chung là không phải là những tác giả có tác phẩm đang thuộc dạng “bán chạy nhất” (best seller). Nhiều người trong số họ đã rời khỏi đời sống văn đàn từ rất lâu như trường hợp Trang Thế Hy, Vũ Hùng… Việc ký hợp đồng tác quyền với họ rõ ràng không phải để thu lợi trước mắt như những tác phẩm, tác giả đang có độ phủ sóng lớn hiện nay. Đó là chưa kể chi phí bỏ ra lớn hơn nhiều so với tác quyền của các tác phẩm bán chạy nhất, bởi với những hợp đồng trọn đời, nhà xuất bản phải có trách nhiệm đảm bảo xuất bản các tác phẩm, đảm bảo nghĩa vụ thanh toán tác quyền với nhà văn trong thời gian rất dài. Trường hợp nhà văn qua đời, con cháu sẽ mặc nhiên tiếp tục được thừa hưởng tiền tác quyền.

Không những thế, việc đảm bảo xuất bản tác phẩm theo tác quyền cũng công phu, không đơn giản như khi mua những tác phẩm mới. Lấy trường hợp nhà văn Trang Thế Hy, nhiều tác phẩm của ông được sáng tác trên báo chí từ 30-40 năm trước đây đã thất lạc, NXB phải cử nhân lực tìm kiếm, tổng hợp để đảm bảo xuất bản trọn vẹn nhất có thể. Chi phí bỏ ra cao, lợi ích thu lại không trực tiếp nhưng các đơn vị làm sách vẫn thực hiện bởi trong những trường hợp này, việc ký tác quyền, độc quyền không đơn thuần là kinh doanh mà còn hơn thế nữa, đó là sự chăm lo, là trách nhiệm bảo vệ và phát triển những vốn quý của văn học, văn hóa Việt Nam mà vì nhiều lý do có nguy cơ mai một.

Như trường hợp nhà văn Vũ Hùng, người từng được mệnh danh là cây bút xuất sắc nhất Việt Nam chuyên về đề tài thiên nhiên hoang dã viết cho thiếu nhi. Các sáng tác của ông từng sống trong lòng bạn đọc nhỏ tuổi từ thập niên 80 thế kỷ trước. Thế nhưng vì nhiều lý do, các sáng tác của ông dần bị quên lãng. Hay như trường hợp nhà văn Sơn Nam, bậc thầy của dòng văn chương khai hoang thì ngược lại, các sáng tác của ông quá nổi, các đơn vị mạnh ai nấy in, xuất bản gây ra tình trạng hỗn loạn, lộn xộn, có tập thì thiếu, có tập thì thừa. Rồi những Bà Tùng Long, đại diện tiêu biểu của dòng văn học lãng mạn thập niên 70; Trang Thế Hy, bậc thầy về kể chuyện; thơ thiếu nhi trong sáng của Thy Ngọc; truyện thiếu nhi của Trần Hoài Dương… Với sự hỗ trợ của các đơn vị làm sách, các tác phẩm liên tục xuất hiện với những ấn bản mới, hình thức hấp dẫn, ấn tượng với bạn đọc, đem đến sự quan tâm, chú ý của bạn đọc.

Thật ra, trong nhiều loại hình nghệ thuật khác như văn hóa dân gian, sân khấu, âm nhạc… người ta đã nhắc nhiều đến việc bảo tồn và phát triển nhưng trong văn học, khái niệm này vẫn còn khá xa lạ. Và trong khi chờ đợi một chính sách lớn của nhà nước, những người làm sách với trách nhiệm và khả năng của mình đang chung tay bảo vệ và phát triển những tác phẩm, những tác giả có vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục