Bảo vệ bằng phần mềm bản quyền

Bảo vệ bằng phần mềm bản quyền

Năm nay được dự báo và cảnh báo tiếp tục sẽ có nhiều biến động về an toàn mạng trên toàn cầu với sự phát triển nhanh của các loại tội phạm mạng, cả về số lượng và mức độ tinh vi của các phương thức tấn công. Càng rõ ràng hơn khi mục tiêu tấn công không chỉ nhắm đến người dùng cá nhân và các tổ chức doanh nghiệp mà còn hướng đến các cơ quan và tổ chức nhà nước của các Chính phủ. Chính vì thế, song song với các giải pháp an toàn thông tin mạng thì việc sử dụng phần mềm bản quyền cũng là một vấn đề.

Lợi ích rõ ràng

Lý do chính khiến người sử dụng máy tính trên thế giới không sử dụng phần mềm không có giấy phép là để tránh những nguy cơ đe dọa do mã độc. Tuy vậy trong năm 2013, có tới 81% các phần mềm được cài đặt trên các máy tính cá nhân tại Việt Nam không có giấy phép, kết quả này vừa được tổ chức Liên minh phần mềm (BSA) công bố.

Bà Victoria Espinel, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành BSA toàn cầu cho biết: Có những bước cơ bản mà bất kỳ công ty nào cũng có thể sử dụng để đảm bảo tuân thủ đầy đủ việc sử dụng phần mềm có giấy phép, chẳng hạn như ban hành các quy định chính thức về sử dụng phần mềm có giấy phép và duy trì việc theo dõi một cách chặt chẽ. Các doanh nghiệp cũng nên cân nhắc áp dụng những chương trình quản lý phần mềm đã được quốc tế công nhận. Những chương trình quản lý phần mềm sẽ mang đến cho doanh nghiệp những giá trị đáng kể, bằng cách đảm bảo sự kiểm soát đầy đủ những gì được cài đặt trên hệ thống. Điều này sẽ giúp các tổ chức tránh được những rủi ro về an ninh và tác nghiệp, cũng như đảm bảo có đủ số lượng giấy phép phần mềm cho tất cả những người sử dụng máy tính trong doanh nghiệp.

Hiện nay máy tính xách tay tại các cửa hàng lớn đều đã được cài phần mềm có bản quyền.

Hiện nay máy tính xách tay tại các cửa hàng lớn đều đã được cài phần mềm có bản quyền.

Lợi ích khi sử dụng phần mềm bản quyền còn thấy rõ như ông Đào Anh Tuấn, đại diện BSA tại Việt Nam nhận định: “Ước tính chi phí cho phần mềm máy tính chỉ chiếm 5% - 6% tổng chi phí của mỗi doanh nghiệp, đây không phải con số quá lớn so với chi phí để khắc phục sự cố cũng như rủi ro do sử dụng phần mềm không có giấy phép gây ra. Sử dụng phần mềm có giấy phép còn mang đến rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, như không phải đối mặt với những rủi ro về pháp lý. Hơn nữa, người sử dụng còn nhận được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật bao gồm vá phần mềm bị lỗi, xử lý các sự cố, phần mềm không bị lỗi, không bị cài các ứng dụng gián điệp. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao và phần mềm độc hại ngày càng gia tăng như hiện nay”.

Vấn nạn của toàn cầu

Còn trong khuôn khổ chiến dịch “Play IT Safe” nhằm nâng cao nhận thức của người dùng về nguy cơ bị mã độc tấn công trên các thiết bị máy tính cài phần mềm không bản quyền, Microsoft cũng vừa công bố kết quả từ nghiên cứu mới nhất do IDC kết hợp với Trường Đại học Quốc Gia Singapore thực hiện tại 11 quốc gia.

Trên cơ sở phân tích 203 máy tính được mua mới tại các cửa hàng ở 11 thị trường nhưng đã bị cài đặt phần mềm không bản quyền, Trường Đại học Quốc gia Singapore đã đưa ra con số đáng kinh ngạc: có 61% máy tính bị xâm nhập bởi các phần mềm độc hại. Kết quả từ nghiên cứu cũng cho thấy, chính phủ các nước tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã bày tỏ sự lo lắng của mình tập trung vào các vấn đề chính, bao gồm sự xâm nhập trái phép vào thông tin bí mật cấp quốc gia (57%), các cuộc tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng trọng yếu (56%)... Ước tính, khối chính phủ toàn cầu mất hơn 50 tỷ USD Mỹ để giải quyết thiệt hại và đối phó với tình trạng mã độc tràn lan. Với khối doanh nghiệp tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, con số này được tính toán lên tới gần 230 tỷ USD Mỹ trong năm 2014 để đối phó với các rủi ro gây nên bởi các phần mềm độc hại được cài đặt có chủ ý trên các chương trình không bản quyền. Người tiêu dùng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng được dự đoán sẽ phải gánh khoản chi phí lên tới 11 tỷ USD Mỹ vì những thiệt hại do tội phạm mạng gây nên…

Thực tế trên đã chỉ ra rằng tội phạm mạng đang tận dụng cơ hội từ các chuỗi cung ứng không an toàn để phát tán phần mềm độc hại, khiến người dùng phải đối mặt với những tổn thất lớn về tài chính khi máy tính bị xâm nhập bất hợp pháp. Nghiên cứu này thêm một lần nữa tiếp tục là một hồi chuông cảnh báo thiết thực giúp người dùng nâng cao nhận thức về bảo mật máy tính, đồng thời tự bảo vệ mình tránh trở thành những nạn nhân tiếp theo của tội phạm mạng.

Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong cuộc chiến chống lại việc sử dụng phần mềm không có giấy phép. Song song đó hệ thống pháp luật hiện nay đã đủ mạnh để xử lý các vụ việc liên quan đến hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục