Bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động

Dư luận đang rất quan tâm về dự thảo Bộ luật Lao động bổ sung, sửa đổi vừa được Bộ LĐTB-XH công bố vào cuối tháng 4 vừa qua, để lấy ý kiến rộng rãi trước khi Chính phủ trình Quốc hội xem xét. Bởi, trong dự thảo lần này có nhiều nội dung mới, liên quan quyền và lợi ích sát sườn của người lao động trên cả nước.

Mặc dù dự thảo có một số nội dung đề xuất khiến người lao động không khỏi băn khoăn, có các ý kiến trái chiều, như tăng thêm tuổi nghỉ hưu (từ 60 lên 62 tuổi đối với nam và từ 55 lên tuổi 60 đối với nữ), cho phép doanh nghiệp tăng giờ làm thêm… nhưng cũng có nhiều nội dung, đề xuất được dư luận đánh giá cao. Chẳng hạn như đề xuất sắp xếp lại lịch nghỉ Tết Nguyên đán (không nghỉ bù) sao cho đảm bảo hợp lý giữa người lao động và doanh nghiệp, không ảnh hưởng tới tiến độ sản xuất; đề xuất giảm số ngày nghỉ tết; được nghỉ Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 để nhân dân có một ngày nghỉ để có những hoạt động thiết thực tri ân những người có công với đất nước, tránh khoảng trống nhiều tháng liên tục không được nghỉ lễ; lùi giờ bắt đầu làm việc của công chức - viên chức, cơ quan hành chính (từ 8 giờ 30 hàng ngày)… Sau khi lấy ý kiến đóng góp, dự thảo sẽ tiếp tục được bổ sung, chỉnh sửa để phù hợp hơn với thực tế.

Có thể thấy, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng, thực hiện nhiều chính sách về tiền lương, quan hệ lao động, bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, coi đó là mục tiêu và động lực phát triển bền vững đất nước. Sự quan tâm này, trước hết được thể hiện ở việc liên tục cập nhật, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội cho người lao động theo hướng đồng bộ, phù hợp với thực tế đất nước và thông lệ quốc tế. Trong khu vực công, tiền lương từng bước được cải thiện, góp phần nâng cao đời sống của người hưởng lương. Đến ngày 1-7 tới đây, hệ số lương cơ sở sẽ là 1.490.000 đồng. Đối với khu vực doanh nghiệp, Bộ luật Lao động hiện hành đã quy định rõ “cơ chế ba bên” gồm Nhà nước, đại diện người sử dụng lao động và đại diện người lao động để tôn trọng và cân đối hài hòa quyền lợi, quan hệ lao động. Đồng thời, tiền lương tối thiểu hiện được quy định theo vùng và ngành, do Chính phủ công bố theo từng thời kỳ trên cơ sở đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Để đảm bảo mức sống cho người lao động đỡ khó khăn, hàng năm Chính phủ liên tục xem xét, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phù hợp với mức tiền lương, quan hệ cung cầu, giá cả sinh hoạt của từng vùng. Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội với nhiều nội dung mang tính đột phá, đảm bảo nhiều phúc lợi cho người lao động.

Mặc dù vậy, hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan đến lao động và an sinh xã hội ở nước ta vẫn rất cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế, sớm giải quyết những tồn tại, hạn chế, bất cập. Theo Bộ LĐTB-XH, mỗi năm cả nước vẫn đang tích cực giải quyết việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, đưa hơn 100.000 người đi xuất khẩu lao động, giảm thiểu tình trạng tai nạn lao động… Nhưng  những vấn đề lâu dài như năng suất lao động của Việt Nam còn quá thấp so với các nước trong khu vực; bài toán thất nghiệp, nhất là tiền lương và thu nhập, nâng cao mức sống cho người lao động, quan hệ lao động trong doanh nghiệp… rất cần được giải quyết một cách căn cơ, đồng bộ với triển khai các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phát triển kinh tế - xã hội, phát triển tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động. 

Tin cùng chuyên mục