Bảo vệ môi trường vùng tuyển quặng: Từ hệ thống thu gom, xử lý nước thải

Ô nhiễm vùng tuyển quặng
Bảo vệ môi trường vùng tuyển quặng: Từ hệ thống thu gom, xử lý nước thải

Ô nhiễm vùng tuyển quặng

Hoạt động khai thác titan thường ảnh hưởng đến môi trường sinh thái trong khu vực sản xuất và lân cận. Đó là nước thải từ nơi sản xuất một phần thấm vào đất, cũng như chảy ra các vùng lõm thấp xung quanh.

Tại khu vực khai thác quặng của Công ty CP Đầu tư khoáng sản và Thương mại Bình Thuận thuộc địa bàn hai xã giáp ranh (Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam và Tiến Thành, TP Phan Thiết); đầu năm 2012, đơn vị lập đề án xả nước thải vào nguồn nước đã lấy một số mẫu nước thải ở bãi chứa quặng, chứa cát, moong (hố) khai thác và khu vực suối Nhum - nơi có nước thải chảy ra để kiểm nghiệm. Kết quả các thông số: TSS, COD, sắt (Fe), hoạt độ phóng xạ anpha, bêta đều vượt quy định…

Điều đó cho thấy vì sao trong những năm gần đây, khu vực hạ lưu suối Nhum chảy qua đây trước khi đổ ra biển dòng nước chuyển sang màu vàng; không ít giếng đào của người dân thôn Thuận Thành, xã Thuận Quý nước có màu vàng nhạt; bà con phải xử lý lắng lọc mới dùng được. Cây trồng thanh long trong vùng dẫn nguồn nước tưới từ suối Nhum, cũng không còn xanh tốt như trước đây… Theo người dân địa phương, do quá trình khai thác, chế biến titan ở các đồi cao phía bên trên; lâu ngày nước thải thấm ngầm xuống đất, xuống suối phía bên dưới đã ảnh hưởng đến mạch nước ngầm, nước suối ở đây…

Trồng cây hoàn thổ vùng khai thác quặng tại xã Thuận Quý, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận.

Trồng cây hoàn thổ vùng khai thác quặng tại xã Thuận Quý, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận.

Triển khai hệ thống thu gom, xử lý nước thải

Trước tác động gián tiếp trong quá trình sản xuất, Công ty CP Đầu tư khoáng sản và Thương mại Bình Thuận đã phối hợp Công ty TNHH Công nghệ môi trường Minh Khôi xây dựng đề án xả nước thải vào nguồn nước trong quá trình khai thác, tuyển quặng Ilmenit - Zircon, tại khu vực khai thác của công ty.

Theo thạc sĩ môi trường Nguyễn Phong Em (Công ty Công nghệ môi trường Minh Khôi), người thiết kế hệ thống xử lý nước thải trên, công đoạn đầu tiên chủ đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải sản xuất. Theo đó, trong quá trình khai thác, chế biến quặng, nước thải tại bãi chứa quặng có nồng độ các chất ô nhiễm ở mức cao, đơn vị khai thác xây hồ bằng gạch tráng xi măng và vật liệu chống thấm để chứa quặng. Nước thải ở đây được thu gom theo ống nhựa dẫn về khu xử lý. Cùng với đó, nước thải tại các bãi cát hoàn thổ nồng độ các chất ô nhiễm giảm dần, công ty áp dụng trải bạt, ngăn chặn dòng thấm trước khi đưa về khu xử lý…

Cũng theo tuần tự, nước thải bị ô nhiễm sẽ đi theo quy trình công nghệ xử lý. Thông qua hồ thu gom lắng sơ cấp, nước thải được cho vào các thiết bị phản ứng bằng cách bổ sung các tác nhân hóa học, để đưa nước thải về độ pH 6,5 - 8,5, tạo phản ứng keo tụ loại bỏ các chất ô nhiễm. Phần nước qua thiết bị lọc liên tục đưa vào hồ ổn định nước sau xử lý, đưa vào tái sử dụng cấp nước tuyển quặng; phần nước thừa được thải ra ngoài môi trường đã đạt quy chuẩn cho phép. Do đó không làm thay đổi chất lượng nước ngầm, nước mặt, nguồn tiếp nhận suối Nhum sẽ được cải thiện…

Đề án này đã được các thành viên hội đồng thẩm định (Cục Quản lý tài nguyên nước - Bộ TN-MT; Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung; Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, Sở TN-MT Bình Thuận...) đánh giá cao về hệ thống thu gom, công nghệ xử lý nước thải sẽ đem lại hiệu quả tích cực, cải thiện môi trường sinh thái trong khu vực khai thác và vùng xung quanh. Đây là dự án đầu tiên ở Bình Thuận và các tỉnh duyên hải miền Trung về bảo vệ môi trường vùng tuyển quặng. Chủ đầu tư đề án cho biết, sẽ tập trung nguồn vốn 2 tỷ đồng, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước thải vào cuối năm nay; đảm bảo qui trình khai thác, chế biến quặng nghiêm ngặt, theo các tiêu chí Luật Bảo vệ môi trường.

Thái Khoa

Tin cùng chuyên mục