(SGGP).- Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tố cáo, ngày 25-10, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, dự luật cần có quy định chặt chẽ hơn và đảm bảo tính khả thi để bảo vệ người tố cáo.
Dù dự luật đã có một chương (chương V) về bảo vệ người tố cáo, nhưng theo các ĐB, dự luật đã không toát lên cơ chế bảo vệ nên cần phải quy định cụ thể hơn.
|
Theo ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), dự luật cần ghi rõ nội dung người tố cáo có quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo bảo vệ để tránh bị trả thù, người giải quyết tố cáo cũng có trách nhiệm yêu cầu cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo. Mặt khác cũng cần quy định xử lý người tố cáo sai, cơ quan xử lý người tố cáo sai bởi quy định cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm bảo vệ người bị tố cáo sai là quá chung chung, như vậy họ sẽ không biết kêu ai.
ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng, nếu người bị tố cáo sai phạm là tổ chức, cơ quan thì cần làm rõ nguồn để đền bù lấy từ đâu.
Chia sẻ quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, bảo vệ người tố cáo là trách nhiệm đương nhiên của cơ quan có thẩm quyền vì 3 lẽ: người tố cáo có quyền công dân, là người sẽ hợp tác trong việc phát hiện, xử lý vi phạm người bị tố cáo và họ thường là người yếu thế hơn người bị tố cáo. Do vậy, dự luật cần quy định đương nhiên người tố cáo cần được bảo vệ thay vì bắt họ phải có văn bản yêu cầu bởi như thế sẽ làm khó người tố cáo. “Thực tế trong cuộc vinh danh 88 gương mặt điển hình trong phòng, chống tham nhũng vừa qua, hầu hết đều nói họ rất cần được bảo vệ. Ngoài ra, theo tôi còn phải có quy định bảo vệ cả người cung cấp thông tin cho người tố cáo” - ĐB Thúy nói.
Chiều 25-10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Quốc hội cũng đã nghe Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao trình bày Báo cáo công tác; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Báo cáo về công tác thi hành án và công tác đặc xá. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cũng đã trình bày Báo cáo thẩm tra về các vấn đề trên.
ĐB Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bày tỏ quan tâm tới sự gia tăng về số lượng cũng như tính chất nghiêm trọng của các vụ vi phạm pháp luật mà tội phạm là trẻ vị thành niên.
Ông Tiến trăn trở: “Vừa qua, có những vụ việc trẻ vị thành niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng rất xấu tới xã hội như vụ cướp tiệm vàng ở Bắc Giang. Báo cáo của Bộ Công an và các cơ quan tư pháp đều có nêu và tôi cũng đồng tình rằng, trong một số trường hợp như vậy Bộ luật Hình sự cần có quy định tăng nặng hình phạt để đảm bảo tính răn đe. Tất nhiên, đó là bước cuối cùng. Những giải pháp khác như tuyên truyền, giáo dục phải được làm đồng bộ. Cả nhà trường, gia đình và xã hội phải cùng làm. Người lớn phải có ý thức tuân thủ pháp luật, phải sống tốt để làm gương”.
ĐB Trần Văn Độ (An Giang), Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự trung ương, cho rằng: “Tăng nặng khung hình phạt chỉ là cách xử lý từ ngọn chứ chưa phải từ gốc”. Ông dẫn chứng, vụ án Trần Xuân Trường và đồng bọn buôn bán 15 bánh heroin trước đây đã có tới 6 bị can phải chịu hình phạt cao nhất, nhưng sau đó tình hình tội phạm ma túy vẫn tiếp tục phức tạp. Để cải thiện tình hình, cần có nhiều giải pháp, mà trong đó quan trọng nhất là “những chính sách hướng đến con người”. “Điều tôi quan tâm hơn cả là làm sao thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng và củng cố một hệ thống tư pháp nghiêm minh, được người dân tin tưởng” - ĐB Trần Văn Độ bày tỏ quan điểm.
Ngày mai, 26-10, Quốc hội tiếp tục dành trọn vẹn một ngày làm việc để thảo luận tại hội trường về các báo cáo nêu trên, kết hợp thảo luận về tình hình giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân.
NG. QUANG – B.VÂN
Phải kiểm soát đầu tư công
Trao đổi với báo giới về vấn đề tái cơ cấu đầu tư công và hệ thống ngân hàng, ĐBQH, chuyên gia kinh tế Cao Sĩ Kiêm (ảnh) cho biết: Đầu tư công của Việt Nam nếu tính cả trái phiếu Chính phủ thì rất cao. Kế hoạch phân phối đối với các thành phần thì có nhiều vấn đề. Đầu tư cao, phân bổ dàn trải, hiệu quả sử dụng thấp. Vì vậy cần phải sắp xếp lại, phân bổ đúng - trúng để vừa không tạo nên bao cấp, vừa tạo hiệu quả cao và dành vốn cho lĩnh vực khác.
- PV: Việc phân bổ đầu tư công hiện nay được ví von là “ai cũng được uống nước nhưng không ai hết khát”?
- Ông CAO SĨ KIÊM: Đúng vậy. Đó là bệnh dàn trải. Vốn ngân sách phải tập trung vào những địa chỉ quan trọng, cấp bách. Làm như vậy cũng với số vốn ấy nhưng phát huy hiệu quả ngay, tạo điều kiện cho sản xuất, tạo việc làm, nâng cao đời sống. Việc phân công, phân cấp những địa chỉ đầu tư và quyền hạn trong quyết định đầu tư là rất quan trọng, nếu không sẽ chồng chéo, kém hiệu quả. Đầu tư công có thể phân cấp nhưng phải hợp lý, TƯ phải kiểm soát được chứ không phải là cứ phân cấp ra rồi bỏ đấy, không kiểm soát được thì sử dụng sẽ lãng phí và rủi ro.
- Hiện nay đầu tư công vẫn theo kiểu địa phương cứ trình dự án còn Chính phủ phải lo tiền. Nhiều ý kiến đề nghị phải thực hiện việc dự án cấp nào, cấp đó phải lo tiền?
- Cái đó hoàn toàn phụ thuộc vào việc phân cấp quản lý, phân cấp ngân sách. Dự án của TƯ dứt khoát TƯ phải lo tiền, với địa phương cũng thế. Những dự án dài hạn phải được phân thành dài hạn, có chia lộ trình theo từng năm. Với dự án kéo 5 năm phải có kế hoạch bố trí vốn 5 năm chứ không phải từng năm, như thế mới bảo đảm hiệu quả cao.
- Tái cơ cấu ngân hàng phải bắt đầu từ đâu thưa ông?
- Trước hết phải đánh giá thực trạng hệ thống ngân hàng, anh nào ở mức độ nào, yếu mạnh ra sao, tiềm năng thế nào từ công nghệ, vốn, nhân lực, chất lượng an toàn tín dụng. Phải phân tích đầy đủ các yếu tố đó thì mới có giải pháp phù hợp để giúp các ngân hàng. Sau khi giúp, các ngân hàng tiếp thu ra sao, được hay không, lúc đó mới tiến hành sắp xếp lại.
Sắp xếp cũng không phải như nhau mà nhiều hình thức: sáp nhập, gọi vốn, tăng công nghệ, cung cấp quản lý cho họ, giải thể, gọi vốn nước ngoài. Thậm chí Nhà nước mua lại, rồi giao cho người khác quản lý, khi nào tốt lên sẽ trả lại họ... Tất cả điều này phải có lộ trình hợp lý. Làm nhưng phải bảo đảm tính hệ thống cao, vì sắp xếp mà gây đổ vỡ là không được. Ngoài ra, sắp xếp là không chỉ làm cho từng ngân hàng mạnh lên mà phải làm cho cả hệ thống mạnh lên. Không phải làm theo kiểu đùng cái mình sắp xếp ngay, xử lý ngay, như thế sẽ rối, có khi lại không phân biệt cái tốt - xấu, rất nguy hiểm.
- Trong trường hợp phải sáp nhập, giải thể ngân hàng, không chỉ người dân, cổ đông mà cả Nhà nước đều bị ảnh hưởng. Vậy Nhà nước lấy đâu ra tiền mà trang trải cho các ngân hàng này?
- Nhà nước không thể trang trải cho các ngân hàng. Trong trường hợp cuối cùng là Nhà nước mua lại ngân hàng thì giá mua cũng sẽ thấp hơn giá trị thực của họ. Ví dụ giá trị ngân hàng là 10 đồng thì Nhà nước chỉ mua với giá 8 đồng, anh phải chịu thiệt 2 đồng. 2 đồng này Nhà nước giao cho anh khác quản lý, nếu sau này ngân hàng hoạt động tốt lên, có thể Nhà nước lại cho anh tham gia. Nhà nước không thể bỏ tiền ra bao nhà băng.
Nên nhớ là đây không phải là Nhà nước bỏ tiền ngân sách ra mua lại ngân hàng, mà là Ngân hàng Nhà nước đứng ra mua lại. Ngân hàng Nhà nước họ có quỹ bảo toàn, vốn rất lớn, họ sẽ bỏ ra kinh doanh một thời gian sau thu lại.
LÂM NGUYÊN