Bảo vệ nguồn nước thích ứng với biến đổi khí hậu

Bổ sung nội dung ảnh hưởng BĐKH đến nguồn nước
Bảo vệ nguồn nước thích ứng với biến đổi khí hậu

Để bảo vệ nguồn nước thô đảm bảo cho hoạt động cấp nước sinh hoạt được xuyên suốt và liên tục, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) vừa xây dựng đề án bảo vệ nguồn nước thô của hệ thống cấp nước. Theo Sawaco, việc xây dựng kế hoạch bảo vệ nên thực hiện từ các biện pháp ngăn chặn phòng ngừa đến giải quyết với các tình huống biến động bất ngờ của chất lượng nước. Để bảo vệ nguồn nước mặt, đề án này cũng đã đề xuất một số giải pháp cần thiết như: xây dựng công trình ngăn mặn phía hạ lưu; trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn…

Trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn nhằm tăng lượng nước dự trữ, duy trì sự cung cấp nước đều đặn và hạn chế thiên tai. Ảnh: HUY ANH

Trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn nhằm tăng lượng nước dự trữ, duy trì sự cung cấp nước đều đặn và hạn chế thiên tai. Ảnh: HUY ANH

Bổ sung nội dung ảnh hưởng BĐKH đến nguồn nước

Một trong những giải pháp ưu tiên mà đề án này đề xuất đó là Ban chỉ đạo Chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) của TPHCM cần đưa nội dung “Ảnh hưởng của việc BĐKH đến nguồn nước mặt và nước ngầm”. Thành phần ban chỉ đạo chương trình này sẽ do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch của UBNDTP làm Trưởng Ban chỉ đạo và có sự tham gia của các sở - ngành liên quan. Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là xem việc ảnh hưởng của BĐKH đến nguồn nước mặt và nước ngầm là nội dung hoạt động chính trong “Chương trình thích ứng với BĐKH TPHCM”.

Đề xuất tiếp theo được đề án đưa ra đó là xây dựng công trình ngăn mặn phía hạ lưu. Đề án cho rằng xây dựng công trình này là rất cần thiết vì đặc điểm tự nhiên sông rạch ở vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai là lòng sông sâu, độ dốc bé, biên độ triều lớn tạo thuận lợi cho nước mặn từ biển theo dòng triều xâm nhập rất sâu vào nội địa, đặc biệt là trong các tháng giữa và cuối mùa khô (từ tháng 3 đến tháng 5). Ngoài ra, việc này cũng tương xứng trước bối cảnh phát triển thủy điện mạnh mẽ theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến năm 2025 là phía thượng nguồn sông Đồng Nai sẽ có gần 20 công trình thủy điện lớn nhỏ, làm xóa sổ 15.000 ha rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, xây dựng công trình ngăn mặn phía hạ lưu có thể chia sẻ gánh nặng trong trường hợp lưu lượng nước chứa tại Hồ Dầu Tiếng, Trị An không thể đáp ứng xả đẩy mặn do chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết thay đổi.

Để xây dựng công trình ngăn mặn phía hạ lưu, Sawaco cũng đã đưa ra một số nội dung cụ thể cần thực hiện như: lập đề án nghiên cứu xây dựng công trình ngăn mặn dưới vị trí lấy nước tại trạm bơm nước thô (về phía hạ lưu), tham khảo các công trình đã đưa vào sử dụng, đảm bảo các điều kiện sống đối với thủy sinh tại lưu vực sông. Bên cạnh đó, còn phải nghiên cứu triển khai các giải pháp khác ngăn mặn thích hợp ở khu vực hạ lưu. Lộ trình để xây dựng công trình này là sau năm 2015, đánh giá quy luật diễn biến độ mặn theo mùa, năm.

Tiếp đó là nghiên cứu ứng dụng các công nghệ xử lý thích ứng với điều kiện biến động của chất lượng nước nguồn nhằm hiện đại hóa quy trình công nghệ xử lý để tăng hiệu suất làm việc. Cụ thể là xây dựng các mô hình đồng dạng phục vụ công tác nghiên cứu đánh giá công nghệ mới, vật tư  - thiết bị mới, hóa chất mới; xây dựng hệ thống giám sát chất lượng nước nguồn như thiết lập các điểm quan trắc, đầu tư các trạm và thiết bị giám sát, hệ thống thu thập, phương thức truyền số liệu, phương pháp lưu trữ - trích xuất dữ liệu báo cáo, xử lý và phân tích dữ liệu phục vụ công tác quy hoạch phát triển; xây dựng hệ thống giám sát chất lượng nước trên mạng lưới cấp nước như mạng lưới các điểm lấy mẫu giám sát, thiết bị đo đạc, hệ thống thu thập và xử lý dữ liệu, trích xuất báo cáo, cảnh báo về chất lượng nước…

Trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn cũng là một trong những đề xuất mà đề án đưa ra nhằm duy trì sự cung cấp nước đều đặn trong cả năm, ngăn chặn dòng chảy xói mòn bề mặt, tăng dòng thẩm thấu làm tăng lượng nước dự trữ tại đầu nguồn để hạn chế tối đa hiện tượng lũ lụt trong mùa mưa và hạn hán trong mùa nắng. Việc này cũng phù hợp với Chương trình bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra là dự kiến nâng cao độ che phủ đạt 42% - 43% vào năm 2015.

Kiếm soát chặt nguồn nước ngầm

Hiện nay, các hoạt động khai thác nước ngầm không hợp lý như khai thác quá mức, sử dụng công nghệ không phù hợp, không có biện pháp bảo vệ có thể làm cho nguồn nước cạn kiệt và mực nước ngầm bị hạ thấp gây sụt lún nền đất tự nhiên. Chính vì vậy, đề án này cũng đã đề xuất một số vấn đề liên quan đến khai thác nước ngầm. Theo đó, quy hoạch phát triển nguồn nước của TP định hướng việc giảm thiểu khai thác nguồn nước ngầm, xem nước ngầm là nguồn dự phòng chiến lược nhằm kiểm soát việc khai thác và sử dụng nước ngầm. Một số biện pháp được đề án đưa ra như: xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định và hướng dẫn việc lồng ghép quy hoạch phát triển đô thị với bảo vệ tài nguyên nước dưới đất; thường xuyên cập nhật tăng cường công tác điều tra cơ bản địa chất thủy văn và đánh giá tài nguyên nước so với nhu cầu khai thác; tiến hành quy hoạch khai thác, cân đối sử dụng và quản lý tổng hợp các nguồn nước…

Để bổ sung nguồn nước ngầm, đề án cũng kiến nghị tái bổ sung, bổ cập nguồn nước ngầm thông qua quá trình bổ cập tự nhiên và bổ cập cưỡng bức. Cụ thể như điều tra, nghiên cứu thiết lập các phương án bổ sung nhân tạo nước dưới đất tại các đô thị đang có nguy cơ cạn kiệt các nguồn nước; khoanh vùng bảo vệ và tạo miền bổ cập cho nước dưới đất; quy hoạch cụ thể các khu vực hạn chế quá trình bê tông hóa, làm giảm tính thấm tự nhiên của nước mặt. Và để chống ô nhiễm tầng nước ngầm, đề án cũng đưa các biện pháp như giám sát việc trám lấp các giếng khoan không còn sử dụng như phải khoan đúng kỹ thuật. Các giếng khoan hư hoặc không còn sử dụng phải trám lấp đúng quy trình kỹ thuật để tránh xâm nhập nước bẩn vào tầng chứa nước hoặc xâm nhập vào lòng đất bởi các chất độc hại thạch tín, nước rác, nước thải… Các giếng khai thác nước phải cách xa nhà vệ sinh, hệ thống xả thải, hệ thống xử lý nước thải từ 10m trở lên; các giếng cạn phải được xây bệ cao, có nắp đậy. Ngoài ra, cần phải có chế độ kiểm tra bảo trì giếng và thiết bị khai thác hàng năm để hạn chế rủi ro hư giếng; đồng thời phải kiểm soát kỹ thuật các bãi chôn lấp chất thải rắn, hạn chế khả năng thấm vào lòng nước ngầm.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục