Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ vừa nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học xác định giá thành sản xuất lúa hàng hóa trên địa bàn TP Cần Thơ”. Theo nhóm nghiên cứu, cách tính toán giá thành theo hướng dẫn của Thông tư 171/2010/TTLT-BTC-BNNPTNT ngày 1-11-2010 hướng dẫn về phương pháp điều tra, khảo sát, xác định chi phí sản xuất, tính giá thành sản xuất lúa các vụ sản xuất trong năm (Thông tư 171) còn tồn tại một số hạn chế, như: chưa tính đủ các loại chi phí của người trồng lúa; việc sử dụng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) để điều chỉnh giá công bố mua lúa dựa trên kết quả điều tra năm trước là chưa hợp lý. Bên cạnh đó, việc áp dụng giá thành tính theo Thông tư 171 chưa sát với thực tế, giá mua bán trên thị trường vẫn do thương lái áp đặt nên có sự khác biệt rất lớn so với giá công bố. Hơn nữa, giá bán lúa cũng lệ thuộc rất lớn vào lượng cung lúa tại các thời điểm thu hoạch…
Với thực tế này, đến nay, người nông dân không được đảm bảo 30% lợi nhuận từ trồng lúa như Nghị quyết 63 đề ra, bởi giá thành sản xuất lúa không tính đến tất cả các nhân tố cấu thành như lao động của gia đình, phí thuê đất và lãi suất tiền vay, các chi phí vận chuyển lúa đến kho của doanh nghiệp xuất khẩu. Hơn nữa, việc áp dụng cùng một mức giá thành sản xuất lúa cho một khu vực là không hợp lý vì các địa bàn khác nhau, các nhóm hộ khác nhau trong cùng một khu vực có rất nhiều điểm khác biệt khiến cho chi phí sản xuất cũng có sự khác biệt lớn. Đồng thời, giá thành phải được đưa ra ngay từ đầu mỗi vụ lúa theo quy định nhưng trên thực tế, Bộ Tài chính thường chậm tính và phổ biến giá này.
Giá thành sản xuất lúa chỉ là một ví dụ nhỏ về những bất cập trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Chính vì điều đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10-6-2013, phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Vậy, tái cơ cấu có “cởi trói” được cho nông nghiệp khỏi tình trạng hiện nay? Câu trả lời vẫn còn ở rất xa. Trước mắt, nông dân chỉ muốn biết: Ai là người sẽ giúp họ có kiến thức sản xuất? Ai là người sẽ giúp họ biết rõ đất của mình nên trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp? Sản phẩm họ làm ra sẽ bán cho ai, kỳ vọng gì ở giá?
Không những thế, một số chính sách khác còn bộc lộ nhiều điểm chưa phù hợp. Chẳng hạn, việc hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, thì quy định vay vốn lại yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa phải trên 40% khiến nông dân không muốn vay vì ít máy móc đạt điều kiện này. Hoặc việc hỗ trợ 500.000 đồng/năm cho 1ha đất lúa là quá ít, chưa đủ mạnh tạo động lực cho nông dân. Đặc biệt, dù chủ trương thu mua tạm trữ lúa gạo là khá hợp lý, nhưng người nông dân không được lợi nhiều từ chính sách này. Thực tế cho thấy, sau khi ban hành chính sách và sau thời hạn tạm trữ, giá lúa có xu hướng tăng nhẹ. Tuy nhiên, thực hiện thu mua tạm trữ lại thông qua việc các doanh nghiệp xuất khẩu được vay không lãi suất trong thời hạn từ 3 đến 4 tháng, nhưng khó có thể kiểm soát được thời điểm và khối lượng thu mua tạm trữ của doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, nền nông nghiệp hiện nay bị gò bó quá cứng nhắc về đầu tư, người nông dân thì làm quá tự do. Mâu thuẫn ở chỗ: Nếu muốn thay đổi nông nghiệp, nông thôn thì Nhà nước phải đi trước, tạo ra chính sách, tiền đề để nông dân làm theo. Nhưng do chính sách cứng nhắc, không làm được như thế, nên nông dân cứ làm theo nhau, thấy cây nào có lợi cứ đua trồng, đến lúc thừa lại chặt bỏ. Cây lúa cũng trong tình trạng đó: Trồng ra nhiều, rồi hàng trăm thương lái mua, nông dân không biết trồng giống lúa gì cho chắc ăn. Thế nên, nông dân trồng đủ loại giống lúa, còn thương lái cũng mua hỗn hợp rồi trộn với nhau và bán. Hệ quả là nông dân bị thương lái ép giá, còn doanh nghiệp không có sản phẩm có chất lượng cao để có thương hiệu mạnh, không bán được giá cao. Từ đó, thiệt thòi chính vẫn là nông dân và Nhà nước cũng bị thiệt theo.
TRẦN MINH TRƯỜNG