Bảo vệ sông Đồng Nai: Cần sự hợp tác đồng bộ từ các tỉnh

Mong sự đồng thuận
Bảo vệ sông Đồng Nai: Cần sự hợp tác đồng bộ từ các tỉnh

TPHCM chỉ có thể bảo vệ được sông Đồng Nai (đoạn chảy qua địa bàn thành phố) nếu có sự kết hợp đồng bộ từ các tỉnh thành khác, nhất là các tỉnh thành thuộc khu vực thượng nguồn như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận… Thế nhưng, điều đáng lo ngại là hiện tại các tỉnh thành này vẫn còn nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp chưa đầu tư, xử lý nước thải.

Nước kênh Ba Bò vẫn đen và bốc mùi hôi. Ảnh: Kim Ngân

Nước kênh Ba Bò vẫn đen và bốc mùi hôi. Ảnh: Kim Ngân

Mong sự đồng thuận

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, từ nay đến năm 2015, TP trích ngân sách khoảng hơn 56 tỷ đồng để bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai. Theo đó, TP sẽ tập trung vào việc kiểm soát và quản lý chặt chẽ nguồn chất thải có tiềm năng gây ô nhiễm cao vào hệ thống sông Đồng Nai thuộc địa bàn TP. Cụ thể, đảm bảo 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, bệnh viện, các cơ sở sản xuất trên địa bàn quận huyện phải có hệ thống xử lý nước thải. Và nước thải sau xử lý của các khu phải đạt tiêu chuẩn quy định.

Đặc biệt, các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp phải kết nối hoàn chỉnh hạ tầng. Với chất thải rắn, chất thải nguy hại cũng phải chấm dứt tình trạng đổ bỏ không đúng nơi quy định. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp phải kiểm soát chặt chẽ tình trạng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định, nhất là tập trung khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp công nghệ cao…

Để nâng cao hiệu quả bảo vệ sông Đồng Nai, Chủ tịch Lê Hoàng Quân yêu cầu các cơ quan chức năng phải phối hợp chặt chẽ với các tỉnh thành trong lưu vực để kiểm tra giám sát nguồn thải vào sông, ngăn chặn kịp thời sự lan truyền ô nhiễm xuyên địa bàn… Điều này cũng xuất phát từ yêu cầu thực tế, nếu phía hạ nguồn có bỏ tiền tỷ để bảo vệ chất lượng nguồn nước sông mà thượng nguồn vẫn thải thì hiệu quả của việc đầu tư cũng trôi theo sông.

Nhưng đáng lo ngại là tình trạng vi phạm môi trường của các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Đắc Lắc… đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả của dự án trên, thậm chí khiến kế hoạch bảo vệ môi trường sông Đồng Nai của TPHCM gặp nhiều khó khăn. Chỉ tính từ đầu tháng 10 lại đây, hàng chục doanh nghiệp tỉnh Bình Dương bị phát hiện xả thải chưa qua xử lý ra sông. Tại tỉnh Đắc Lắc, cụm công nghiệp Tân An cũng bị phát hiện chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải. Còn tại Tây Ninh, cảnh sát môi trường phát hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất giấy và bột mì vẫn tiếp tục hoạt động gây ô nhiễm môi trường dù chính quyền địa phương đã có quyết định buộc tạm ngưng hoạt động.

Bài học kênh Ba Bò vẫn nóng

Câu chuyện về cải tạo chất lượng nguồn nước kênh Ba Bò vẫn còn nóng. Để đảm bảo môi trường sống cho người dân quận Thủ Đức – khu vực dọc kênh Ba Bò không bị ô nhiễm, lãnh đạo TP đã quyết định xây hồ xử lý nước kênh. Tuy nhiên, trong dự án cũng nêu rõ, việc xử lý nước kênh Ba Bò chỉ có thể đạt hiệu quả mong muốn nếu tỉnh Bình Dương kiểm soát tốt nước thải sau xử lý của 3 khu công nghiệp là Đồng An, Sóng Thần 1 và 2 luôn đạt tiêu chuẩn loại A trước khi thải ra kênh.

UBND TP đã nhiều lần làm việc với tỉnh Bình Dương để đề nghị phía tỉnh hợp tác, hỗ trợ. Thế nhưng kết quả là cảnh sát môi trường vẫn tiếp tục phát hiện khu công nghiệp của tỉnh vẫn lén xả nước thải chưa đạt tiêu chuẩn vào môi trường. Kết quả khảo sát thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương cho thấy, trên địa bàn tỉnh còn 15 cụm sản xuất công nghiệp và 40% cơ sở sản xuất ngoài cụm và khu công nghiệp đang hoạt động mà không có bất kỳ hệ thống thu gom hay xử lý chất thải nào. Chỉ có 14/300 doanh nghiệp được kiểm tra đạt tiêu chuẩn về môi trường.

Ông Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên cho biết, câu chuyện ô nhiễm sông Thị Vải vẫn chưa chấm dứt. Dù Công ty Vedan đã thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, nước sông Thị Vải có dấu hiệu phục hồi nhưng trong thành phần nước vẫn lẫn nhiều hóa chất công nghiệp.

Điều này cho thấy, nguy cơ tái ô nhiễm sông Thị Vải vẫn rất cao. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp dọc sông Thị Vải vẫn đang lén lút xả thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường. Hơn nữa, hiện các đầm nuôi trồng thủy sản của người dân thuộc khu vực hạ lưu vẫn chưa thể tái hoạt động được. Do đó, việc TPHCM đầu tư 56 tỷ đồng để bảo vệ môi trường sông Đồng Nai là việc làm đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, để việc đầu tư này đạt được hiệu quả cao, nhất thiết cần sự đồng thuận từ các tỉnh thành khác nằm dọc lưu vực sông Đồng Nai.

Minh Xuân

Tin cùng chuyên mục