Bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị xâm hại

Theo phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM, trong giai đoạn 2012-2020 đã ghi nhận 790 vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em (hiếp dâm, giao cấu, dâm ô). Trong đó có tới 44% vụ án mà thủ phạm và nạn nhân có quan hệ hàng xóm, quen biết. Tuy nhiên, nhiều vụ việc không được phát hiện kịp thời, thiếu sự hợp tác, không tố giác tội phạm… khiến hậu quả thêm nghiêm trọng, dẫn đến các bi kịch.
Tuyên truyền pháp luật cho học sinh để giúp trẻ tránh nguy cơ bị xâm hại. Ảnh chụp tháng 1-2021
Tuyên truyền pháp luật cho học sinh để giúp trẻ tránh nguy cơ bị xâm hại. Ảnh chụp tháng 1-2021

Thủ phạm là người thân, quen 

Co ro trong góc phòng trọ, N. (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) năm nay đã 20 tuổi, nhưng vóc dáng chỉ bằng học sinh cấp 2. Nỗi đau bị xâm hại khi mới 12 tuổi vẫn còn hằn sâu trên khuôn mặt non nớt. N. cho biết, do cha mẹ ly hôn nên về sống cùng bà nội, cha và vợ chồng bác ruột. Quá trình chung sống, N. đã nhiều lần bị chính bác ruột xâm hại. Điều đáng buồn là N. cầu cứu người thân nhưng chỉ nhận được sự im lặng. Mãi đến năm 2020, mẹ của N. từ quê lên thăm con và thật bất ngờ được chính người vợ của ông bác khai ra sự thật, tố giác tội ác của chồng. Ngay sau đó, mẹ của N. viết đơn tố cáo đến cơ quan Công an quận Bình Thạnh. Thế nhưng, nghi phạm đã bỏ trốn và đến nay vẫn chưa rõ tung tích. 

Còn trường hợp của H. (ngụ tỉnh Bình Phước) lại đau đớn hơn vì bị xâm hại đến mức mang thai và sinh con khi mới 13 tuổi. Thủ phạm là người chú (chồng của cô), sống gần nhà. Lợi dụng cha mẹ của nạn nhân đi làm công nhân cao su vắng nhà suốt cả ngày, người chú nhiều lần thực hiện hành vi xâm hại và hiện H. đã sinh con tại một bệnh viện ở TPHCM. Vụ việc được phát giác, cha mẹ H. quyết tìm công lý cho con gái và nhờ luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn Luật sư TPHCM) hỗ trợ bảo vệ quyền lợi cho bị hại. Thế nhưng, luật sư Thảo cho biết, vào tháng 12-2019, Công an huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước ra thông báo tạm đình chỉ điều tra vụ án do bị can mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi để làm việc với cơ quan pháp luật theo kết quả giám định của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa (!?).

Theo cơ quan công an, tình trạng xâm hại trẻ em gái ngày càng gia tăng. Trong đó, khoảng 3% vụ án có thủ phạm là họ hàng và có tới 44% vụ án mà thủ phạm với nạn nhân có quan hệ hàng xóm, quen biết. Tuy nhiên, nhiều vụ việc không được phát hiện kịp thời, thiếu sự hợp tác, không tố giác tội phạm… 

Cần truy tố cả người không tố giác

Theo Th.S Phan Thị Hoài Yến (chuyên gia tâm lý, khoa Tâm thể, Bệnh viện TP Thủ Đức), trẻ bị xâm hại tình dục sẽ mang tổn thương về thể chất, tâm lý và ảnh hưởng lâu dài đến quá trình trưởng thành. “Phải mất rất nhiều thời gian để nạn nhân mở lòng, chấp nhận can thiệp tâm lý. Tuy nhiên, nhiều gia đình bỏ dở quá trình trị liệu vì không đủ kiên trì. Việc này càng khó khăn hơn khi thủ phạm là người thân hay họ hàng và có xu hướng chấp nhận thỏa hiệp”, Th.S Hoài Yến tâm tư. 

Còn luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM) cho biết, vẫn tồn tại nhiều vụ án xâm hại trẻ em mà tội phạm không bị tố giác. Điều này khiến bỏ lọt tội phạm, nỗi đau các em thêm bi kịch và càng khó khăn hơn trong ngăn chặn vấn nạn xâm hại trẻ em. Vì vậy, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM), có thể áp dụng Điều 390 Bộ luật Hình sự về tội không tố giác tội phạm để xử lý những trường hợp không tố giác, tố cáo thủ phạm xâm hại trẻ em. Tùy vào mức độ, hành vi có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù tối đa đến 5 năm.

Trước thực trạng gia tăng trẻ bị xâm hại và nguy cơ càng tăng cao khi các em đang nghỉ học dài ngày vì dịch Covid-19, tạo “cơ hội” cho đối tượng xấu lợi dụng, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ kiến nghị các cơ quan chức năng, đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật cho phụ nữ và trẻ em, tăng cường tổ chức các phiên tòa giả định trong trường khi năm học mới bắt đầu trở lại. Ngoài ra, luật sư Ngọc Nữ kiến nghị Đoàn thanh niên, hội phụ nữ các địa phương đến từng nhà trọ, khu công nhân để tuyên truyền pháp luật, nâng cao trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Trong khi đó, bà Trần Thị Thu Hà (Phó trưởng đại diện Hội Bảo vệ trẻ em Việt Nam, cơ quan phía Nam) mong muốn toàn xã hội cần chung tay ngăn chặn vấn nạn xâm hại trẻ em, điều chỉnh các quy phạm pháp luật theo hướng tăng nặng các hình thức xử lý để đủ sức răn đe, cùng với đó là xây dựng thêm các cơ sở như “Ngôi nhà bình yên”, “Mái ấm Hoa hồng nhỏ”, “Ngôi nhà Nhịp cầu hạnh phúc” để sẻ chia, hỗ trợ nạn nhân hòa nhập với xã hội.

Tin cùng chuyên mục