Bảo vệ và phát triển rừng

Hôm nay 19-6, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Qua quá trình nghiên cứu, dự án đã được cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra thống nhất đề nghị đổi tên thành Luật Lâm nghiệp.
Nhiều khu vực, rừng bị tàn phá nghiêm trọng
Nhiều khu vực, rừng bị tàn phá nghiêm trọng
 Dự án luật không chỉ thu hút sự quan tâm của cộng đồng dân cư, tổ chức, doanh nghiệp trong nước…, mà còn là tâm điểm chú ý của các tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường. 
Về “bảo vệ và phát triển rừng”, nội dung cốt lõi của dự thảo luật này, trong một cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Lương Quang Hùng, Trưởng đại diện Trung tâm vì Con người và rừng (RECOFTC) cho biết, từ kinh nghiệm nhiều năm hoạt động tại Việt Nam và nhiều nước trong khu vực, tổ chức này khuyến nghị luật cần quy định cộng đồng dân cư được sở hữu rừng và cần được đảm bảo có quyền bình đẳng như những chủ rừng khác. “Gắn quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng dân cư như những chủ rừng thật sự sẽ phát huy được sức mạnh tinh thần trách nhiệm của người làm chủ. Hiệu quả bảo vệ rừng sẽ được tăng cao khi cộng đồng có cơ hội thực hành tri thức truyền thống tốt trong quản lý rừng, sử dụng thiết chế tự quản, tự giám sát và thành viên trong cộng đồng tuân thủ một cách nghiêm ngặt các luật tục của cha ông đã truyền lại”, ông Lương Quang Hùng giải thích. Thừa nhận và phát huy tri thức truyền thống và luật tục của cộng đồng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng - nguyên tắc và điều kiện cần thiết trong phát triển rừng bền vững - cũng là kiến nghị quan trọng từ đại diện RECOFTC. Theo tổ chức này, trên thực tế, đồng bào dân tộc thiểu số có rất nhiều luật tục và tri thức truyền thống trong việc sử dụng và quản lý rừng một cách bền vững. Chẳng hạn, ở Tây Nguyên, luật tục M’nông quy định về trách nhiệm phòng, chữa cháy rừng: “Rừng bị cháy mà không dập tắt, người đó sẽ không có rừng, người đó sẽ không có đất”. Ở miền núi phía Bắc, luật tục dân tộc Thái cũng có đoạn dặn dò rất kỹ: “Không nạn nào hơn nạn lửa, nạn nước; dùng nước phải biết tránh luồng nước; dùng lửa hãy phòng ngừa nạn cháy”… Ngoài ra, luật tục Ê đê, Bana, M’nông đều có những quy định về khai thác có chọn lọc, không săn bắn con cái, không săn bắn vào mùa sinh sản; cấm khai thác tại những diện tích rừng đầu nguồn, khu vực sinh sản của thú rừng... 
Đặc biệt, ưu tiên khuyến khích phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia trong lĩnh vực quản lý rừng bền vững cũng là một khuyến nghị rất đáng lưu ý. Phụ nữ, đặc biệt là đối với người dân tộc thiểu số, là những người đóng góp rất lớn vào công tác quản lý và sử dụng rừng: tham gia khai thác bền vững lâm sản ngoài gỗ, sử dụng cây thuốc, giáo dục con cái. Hơn thế, họ còn có quyền quyết định lớn đến việc canh tác nương rẫy.
Quả thực, rừng quan trọng với tất cả mọi người, nhưng trước hết, rừng là một phần không thể tách rời trong cuộc sống của các dân tộc anh em từ Bắc chí Nam. Những kinh nghiệm đúc rút từ đời sống thực tế của những người đang sống với rừng, sinh kế gắn liền với rừng rất cần được luật hóa.

Tin cùng chuyên mục