Tại hội nghị xúc tiến tiêu thụ trái thanh long do Bộ Công thương phối hợp với Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức ngày 23-11 tại TP Phan Thiết, nhiều ý kiến cho rằng đầu ra cho trái thanh long còn quá bấp bênh do chủ yếu bán qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch; đồng thời đề xuất hướng vào thị trường nội địa.
Rủi ro khi xuất khẩu tiểu ngạch
Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, hiện diện tích cây thanh long ở nước ta khoảng 37.000ha, sản lượng hàng năm đạt khoảng 630.000 tấn. Trong đó, tỉnh Bình Thuận là địa phương có diện tích và sản lượng lớn nhất cả nước với khoảng 26.500ha, sản lượng hàng năm khoảng trên 500.000 tấn. Ngoài ra, diện tích cây thanh long tại các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long,… đang được mở rộng. Bộ Công thương ước tính, hiện sản lượng thanh long của nước ta được tiêu thụ tại thị trường nội địa khoảng 15%-20%, xuất khẩu chính ngạch chỉ đạt 2%-3%, còn lại 80%-85% được xuất khẩu theo hình thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc. Ông Đỗ Minh Kính, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Thuận cho rằng, diện tích và sản lượng thanh long của nước ta ngày càng tăng, nhưng thị trường tiêu thụ lại chưa được mở rộng, còn quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc dẫn đến thiếu bền vững, ẩn chứa nhiều rủi ro. Đặc biệt vào mùa thanh long chính vụ, sản lượng thanh long quá lớn, doanh nghiệp lại không điều tiết được lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc nên đã xảy ra hiện tượng ách tắc, ứ đọng hàng hóa tại cửa khẩu, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và nông dân.
Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa
Ông Ngô Văn Tuấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang nhìn nhận, hiện nay thị trường tiêu thụ thanh long ở thị trường nội địa vẫn bị bỏ ngỏ, chưa được quan tâm đúng mức. Các kênh thiêu thụ loại trái cây này dù đã được hình thành nhưng khâu kết nối chưa chặt chẽ, doanh nghiệp và người nông dân còn mạnh ai nấy làm dẫn đến thiếu tính ổn định. Trong khi đó, chúng ta đang cố gắng triển khai trồng thanh long sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để xuất khẩu qua các thị trường nước ngoài khó tính, nhưng hiện tại giá bán sản phẩm trồng theo hình thức này không chênh lệch với sản phẩm sản xuất bình thường khiến người nông dân ít quan tâm.
Đẩy mạnh tiêu thụ thị trường nội địa, đa dạng hóa sản phẩm là nhữnggiải pháp để phát triển thanh long bền vững
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, để nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị cho trái thanh long, các tỉnh thành trồng thanh long cần tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng như doanh nghiệp nước ngoài tham gia chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Các doanh nghiệp chế biến cũng phải tìm cách để đa dạng hóa các sản phẩm làm từ trái thanh long, từ đó nâng cao giá trị của loại trái cây này. Đặc biệt, trong thời gian tới, cần phải có nhiều biện pháp để đẩy mạnh tiêu thụ trái thanh long ở thị trường nội địa. “Nếu lấy hơn 630.000 tấn thanh long đem chia cho khoảng 90 triệu dân của Việt Nam, thì trung bình mỗi người dân một năm chỉ tiêu thụ khoảng một kilôgam thanh long. Do vậy, việc quan tâm đến thị trường nội địa sẽ là giải pháp hữu hiệu để tiêu thụ loại trái cây này”, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa phân tích.
Cùng với đó, đại diện Sở Công thương 3 tỉnh có diện tích thanh long lớn nhất nước gồm Bình Thuận, Long An, Tiền Giang đã đề xuất Bộ NN-PTNT sớm có quy hoạch tổng thể vùng trồng cây thanh long ở Việt Nam; ban hành quy chuẩn cụ thể trong việc sử dụng thuốc kích thích, thuốc trừ sâu trong sản xuất; hỗ trợ người sản xuất, doanh nghiệp hợp tác xã áp dụng quy trình sản xuất thanh long sạch. Từ đó, các địa phương, doanh nghiệp có thể thắt chặt khâu quản lý, nâng cao chất lượng trái thanh long, hướng tới thị trường thế giới.
NGUYỄN TIẾN