Bấp bênh nuôi cá lồng bè tự phát

Quảng Nam, Đà Nẵng đang xuất hiện nhiều khu vực nuôi cá lồng bè tự phát theo kiểu manh mún nhỏ lẻ, gây nhiều hệ lụy. Nguy cơ rõ nhất là thị trường đầu ra bấp bênh và ô nhiễm nguồn nước cùng môi trường xung quanh...
Các lồng bè tự phát, đầu ra bấp bênh, gây ô nhiễm môi trường
Các lồng bè tự phát, đầu ra bấp bênh, gây ô nhiễm môi trường

Khó xử lý

Mặc dù hàng năm thường xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt do ô nhiễm nguồn nước, hải sản bệnh chết nổi trắng mặt nước, nhưng hơn trăm hộ dân thuộc các phường Mân Thái, Nại Hiên Đông, Thọ Quang vẫn mạo hiểm nuôi cá lồng bè tại khu vực vịnh Mân Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Thậm chí, người dân còn dựng các nhà tạm trên vịnh Mân Quang để sinh sống và trông coi chăm sóc các lồng bè hải sản như cá mú, cá hồng, nghêu...

Ông Lê Văn Hùng, một hộ nuôi cá lồng bè khu vực vịnh Mân Quang kể: “Gia đình tôi sống ở khu vực này, con cái lớn lên cũng theo nghề của cha mẹ. Mỗi đứa lập gia đình thì sẽ tự tạo một cái lồng bè riêng để lo cuộc sống. Năm nào thuận lợi cũng lãi được vài chục triệu đồng, những năm nguồn nước bị ô nhiễm hoặc mưa lũ coi như mất trắng”. Cũng theo ông Hùng, hiện cơ quan chức năng chỉ khuyến cáo người dân không nên nuôi hải sản trong khu vực chứ không cấm, vì vậy gia đình ông cũng như hàng trăm gia đình sinh sống bằng nghề nuôi cá lồng vẫn hoạt động bình thường.

Ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang, cho biết đến hết năm 2017 toàn phường có hơn 118 hộ nuôi các loại hải sản như cá, tôm, nghêu sò... bằng lồng bè. “Xưa bám biển, rồi nuôi hải sản lồng bè, giờ bỏ nghề cũng không biết làm gì sinh sống, vì hầu hết các hộ đều khó khăn. Mình cũng chỉ khuyến cáo, vận động người dân tháo dỡ, chấm dứt nuôi hải sản lồng bè để tránh thiệt hại. Còn nếu làm căng tháo dỡ lồng bè thì thành phố cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi ngành nghề, để người dân ổn định cuộc sống. Sau khi được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, nếu người dân vẫn tiếp tục nuôi cá lồng bè ở khu vực vịnh Mân Quang, chính quyền địa phương sẽ xử lý nghiêm”, ông Công nói.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Chánh Văn phòng HĐND-UBND quận Sơn Trà khẳng định, khu vực vịnh Mân Quang nằm trong vùng dự án nên các cơ quan chức năng thành phố và chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, khuyến cáo không được nuôi cá lồng bè trên vịnh Mân Quang nhưng người dân vẫn bất chấp quy định. Khi nguồn nước ô nhiễm, hải sản chết, người dân lại “kêu” chính quyền địa phương. Quận đang giao cơ quan chức năng, chính quyền địa phương giám sát, vận động người dân tháo dỡ các lồng bè trên khu vực vịnh Mân Quang.

Manh mún nhỏ lẻ

Tại thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam, đến nay có khoảng 200 lồng của nhiều hộ dân nuôi tự phát trên sông. Ông Trần Minh Đức (phường An Sơn) cho biết, từ năm 2014 đến nay, mỗi năm gia đình ông đều đặn thả nuôi 2 vụ cá điêu hồng trong 10 lồng trên sông Tam Kỳ, đoạn chảy qua địa bàn phường An Sơn. Bình quân mỗi lồng có diện tích 75m³, ông Đức thả nuôi 14.000 con cá giống. Với mức giá dao động trên dưới 40.000 đồng/kg, số lượng 10 lồng, mỗi năm sau 2 vụ nuôi, số tiền ông thu được từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. “Nếu không có thiên tai, dịch bệnh thì nuôi cá lồng rất có lợi, nhưng hiện tại chính quyền không cho phát triển thêm”, ông Đức nói.

Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa (phường Phước Hòa, Tam Kỳ), việc nuôi cá lồng bè dù có lợi nhuận cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là sự biến động của thời tiết khí hậu. “Cuối năm 2016, tôi đầu tư hơn 300 triệu đồng để làm 10 lồng bè, mua cá diêu hồng giống về nuôi thử nghiệm. Lứa đầu tiên, cá phát triển tương đối tốt, nhưng gần đến kỳ thu hoạch cá trong lồng bè dính bệnh rồi chết một phần. Khi vào thu hoạch, giá cá thấp (30.000 đồng/kg), thua lỗ hơn 100 triệu đồng”, ông Nghĩa kể.

Hiện tại, dù số lồng cá đã tăng lên 36 lồng, số lãi mang lại cho ông mỗi năm gần 250 triệu đồng, nhưng theo ông Nghĩa khó khăn nhất chính là đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh, dễ bị tư thương ép giá. Do các hộ chủ yếu bán nhỏ lẻ cá cho các đầu nậu trên địa bàn.

Ngoài TP Tam Kỳ, việc nuôi cá lồng bè còn xuất hiện ở hầu hết các địa phương như Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình... Số liệu từ Sở NN-PTNT Quảng Nam cho biết, toàn tỉnh hiện có gần 12.847ha diện tích có thể nuôi cá nước ngọt, với khoảng 3.000 lồng bè, cung cấp mỗi năm 4.000 tấn cá. Dự kiến, đến năm 2030, tổng số lồng nuôi có thể nâng lên 5.000 lồng, kỳ vọng cung cấp ra thị trường khoảng 6.000 tấn cá thương phẩm. Theo điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy sản Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nuôi thủy sản trong lồng bè được kỳ vọng sẽ đem lại lợi nhuận lớn.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, cho biết: “Nuôi cá trong lồng bè tại Quảng Nam đến nay vẫn chỉ là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Ngoài điều kiện nuôi không đảm bảo thì cách nuôi, thị trường cũng khiến người nuôi gặp khó khăn. Đặc biệt, khả năng huy động vốn của người dân vào sản xuất chưa cao, đây cũng là nguyên nhân khiến quy mô và hiệu quả nuôi thả còn thấp”.

Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam cho biết, nuôi cá trong lồng bè được khuyến cáo nên triển khai ở các hồ nước đứng, có diện tích 50ha trở lên, độ sâu mực nước khi nước hồ xuống thấp nhất đạt hơn 5m, tốc độ dòng chảy khu vực đặt lồng nuôi đạt 0,2 - 0,5m/giây, mực nước dao động trong năm ở khu vực nuôi không quá 2-5m. Trong các hồ nước đứng, diện tích đặt lồng nuôi cá không quá 0,7% tổng diện tích mặt hồ. Các cụm lồng đặt cách nhau không dưới 50m.

“Với nhiều yếu kém đã bộc lộ trong thời gian qua, nuôi cá trong lồng bè đang được sở tham mưu UBND tỉnh quy hoạch lại theo hướng nuôi tập trung để tổ chức sản xuất tốt hơn, hướng tới tạo ra năng suất cao, đem lại giá trị kinh tế lớn cho người dân”, ông Tấn nói.

Tin cùng chuyên mục