Bartender là một công việc chỉ những người pha chế ở quầy bar. Công việc này đã và đang thu hút nhiều bạn trẻ theo học, cho thấy sức hút của nó vô cùng lớn. Tuy nhiên, nếu muốn sống nhờ vào công việc này thì đam mê là chưa đủ.
Thu hút bạn trẻ
Phan Ngọc Đức, sinh viên khóa K33 ngành Quản trị khách sạn Trường Trung cấp nghề Việt Giao, cho biết: “Tôi chọn học nghề pha chế vì thời gian học ngắn, vừa dễ kiếm được việc làm sau khi ra trường. Theo tôi, đây là một nghề đang thu hút người trẻ và không sợ không có việc làm sau khi ra trường, hơn những nghề tay trái khác. Hiện tôi đang làm thêm nghề này với thu nhập 3,2 triệu đồng/tháng; nếu học sâu và biết biểu diễn ảo thuật pha chế (showmanship) thì tiền lương sẽ gấp nhiều lần. Nhưng để biểu diễn được còn phụ thuộc vào năng khiếu và cần cù. Ngoài ra, tôi thích nghề bartender vì thích tính nhanh nhẹn của nghề, giao tiếp sâu rộng hơn với nhiều người”.
Với Huỳnh Công Quý, sinh viên Trường Cao đẳng nghề Nguyễn Trường Tộ, chọn nghề pha chế vì lý do đơn giản là làm nghề này có thể dễ dàng nhận biết được nhiều loại rượu khác nhau và thật thú vị khi được thử nhiều loại đồ uống do chính mình làm ra. “Hơn nữa, pha chế khác với phục vụ, bạn có thể được ngồi, chat điện thoại và lương thì cao hơn”, Công Quý cho biết thêm.
Đào tạo nghề pha chế tại Trường Trung cấp nghề Việt Giao
Hiện nay, ở các trường nghề như Saigon Tourist, Cao đẳng nghề Nguyễn Trường Tộ, Trung cấp nghề Việt - Giao hay các trường về du lịch khác trên địa bàn TP đều có các khóa học ngắn hạn, dài hạn về nghề pha chế dành cho học viên mới tốt nghiệp cấp 2 hoặc cấp 3. Đặc biệt, khi lựa chọn nhân viên bartender, nhà tuyển dụng sẽ không quan trọng nhân viên tốt nghiệp trường danh tiếng hay không, họ chỉ dựa trên tay nghề chuyên nghiệp của nhân viên cho nên khi học xong nhiều bạn trẻ sẽ không lo sợ bị thất nghiệp.
Ngoài ra, khi tay nghề chưa cao, các bartender có thể xin thực tập tại các nhà hàng, quán bar, vũ trường. Quá trình làm việc trong thời gian này cũng chính là quá trình thực tập và nâng cao tay nghề. Khi tay nghề đã vững, bartender có thể mạnh dạn khai thác mục tiêu cao hơn. Mục tiêu cao nhất của bất cứ bartender nào là được làm tại các nhà hàng, bar, khách sạn cao cấp. Để có thể tạo được uy tín cho chính mình, các bartender cần không ngừng học hỏi và luyện tập.
Không dễ thành danh
Những bartender có tiếng và thành công phải trải qua rất nhiều năm luyện tập. Họ không chỉ đam mê nghề nghiệp mà hơn ai hết tất cả đều phải thật sự giỏi trong lĩnh vực này. Một bartender giỏi và kiếm được nhiều tiền không chỉ biết pha chế mà còn phải biết biểu diễn tung hứng với chai lọ. Tuy nhiên, loại hình nghệ thuật này tuy nhìn vào rất dễ nhưng người pha chế phải tập luyện trong 3 - 4 năm mới thành thục được các ngón nghề.
Bên cạnh những rủi ro như có thể bị thương, bartender còn có thể bị sa ngã vào chính con đường mình đã chọn nhất là đối với phái nữ. Quầy bar là linh hồn của quán, các nhân viên pha chế luôn được khách hàng yêu quý, nhưng không phải vị khách nào cũng đối xử một cách tế nhị, có nhiều trường hợp người pha chế bị khách chèo kéo uống rượu, đi chơi đêm khiến bản thân sa đà. Mặt khác, nhà tuyển dụng luôn ưu tiên cho nam vào vị trí bartender vì các bạn nam có thể biểu diễn giỏi hơn, giúp thu hút khách nhiều hơn cho quán.
Bartender đầu tiên phải có kỹ năng nhạy rượu, phải uống được rượu để có thể phân biệt và sáng tạo ra những món uống mới. Ngoài ra, bartender còn phải mạnh mẽ, giao tiếp tốt, có óc quan sát, tìm hiểu để có thể tránh được các mối nguy bên ngoài xã hội. Có óc thẩm mỹ lại càng là một lợi thế vì các món uống có ngon đến đâu mà một bartender không biết làm đẹp cho ly nước của mình thì cũng làm giảm giá trị của thành phẩm.
Chị Trà Phương Hồng Nhung, nhân viên pha chế tại Café DuCarillon đã nghỉ việc cách đây 1 tháng, tâm sự: “Làm lâu mới thấy bản thân không hợp với môi trường công việc này, mức lương của bartender không cao như mong đợi. Nếu muốn thu nhập cao chỉ có thể làm ở bar lớn nhưng ở đó dễ sa ngã hơn, làm việc đi sớm về trễ có khi 3-4 giờ sáng mới về nhà”. Cũng theo chị Hồng Nhung, những người theo học nghề đa phần vì tìm hiểu là nhiều chứ đam mê thì ít, nhiều người học vì đã mở quán riêng, học để kiếm thêm thu nhập vì bản thân vốn đã có công việc ổn định khác. Như vậy, bartender suy cho cùng đối với nhiều nghề nó cũng không được xem là nghề tay phải bởi tính không bền, dựa vào vận may và thời gian gắn bó với nghề không lâu.
THU HƯƠNG