Bất an cho trẻ mầm non

Bất an cho trẻ mầm non

Mới đây, tại buổi họp bồi dưỡng chuyên môn “Rút kinh nghiệm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mầm non và công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia” do Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM tổ chức, vấn đề an toàn cho trẻ mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình lại được xới lên lần nữa cùng nhiều nỗi lo mới.

Bất an cho trẻ mầm non ảnh 1

Các cháu ở Trường Mầm non Khánh Hội (quận 4, TPHCM) vui chơi trong sân trường. Ảnh MAI HẢI

Theo đó, cơ quan quản lý đã ghi nhận hàng trăm hình ảnh chụp cơ sở vật chất, trang thiết bị và đồ dùng cho trẻ thiếu an toàn, cũng như sự chủ quan, lơ là trong công tác phục vụ, bảo đảm an toàn cho trẻ tại các cơ sở mầm non ngoài công lập. Từ những chiếc kệ treo ti vi bằng sắt đã gỉ sét, nối tạm bợ vào thân tường bởi vài chiếc đinh nhỏ đến những cánh quạt máy phủ đầy bụi, bên ngoài mất lồng bảo vệ, những chiếc tủ đựng quần áo, chăn gối làm từ chất liệu ván ép cao gần 2m vẫn được các trường sử dụng. Nguy hiểm hơn, rất nhiều cơ sở do thiếu không gian, diện tích nên đã lắp đặt dàn nóng máy lạnh, treo những chậu hoa kiểng trên cao ngay khu vực hành lang chơi đùa của trẻ, khiến nguy cơ vật dụng rơi vỡ xuống đầu trẻ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trước thực tế đó, một cán bộ quản lý Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT) đã bày tỏ lo lắng: “Trẻ mầm non đang tuổi hiếu động, thích bám víu, leo trèo. Chỉ cần giáo viên quay lưng đi hoặc lơ là một chút, chuyện gì cũng có thể xảy ra”.

Điều đáng nói là những hình ảnh tiềm ẩn nguy hiểm nói trên tuy không mới, năm nào Sở GD-ĐT và cơ quan quản lý tại địa phương cũng lập các đoàn đi kiểm tra, giám sát, nhắc nhở các cơ sở khắc phục, nhưng nhiều đơn vị vẫn chưa có ý thức chấn chỉnh. Một vài nơi còn hoạt động theo mô hình “khép kín”, tức chỉ mở cổng vào hai khung giờ đón và trả trẻ khiến phụ huynh muốn vào lớp tham quan, góp ý với nhà trường cũng khó. Người viết từng chứng kiến một cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở quận Gò Vấp có khu vực bếp ăn không tách biệt với khu vui chơi của trẻ, một góc sân trường được tận dụng làm chỗ để xe cho giáo viên và luôn có một chú chó rất to canh giữ. Trường hợp khác, nhiều phụ huynh cũng phản ảnh một số cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn TP vẫn sử dụng ly uống nước, tô, chén đựng thức ăn cho trẻ bằng nhôm (thay vì inox), không ghi tên, số thứ tự của trẻ trên các vật dụng nên vẫn xảy ra tình trạng trẻ dùng chung ly uống nước, tô đựng thức ăn. Ngoài ra, rất nhiều lỗi sắp đặt, bố trí khác như kho để sữa dưới gầm cầu thang, thang máy vận chuyển thức ăn ngay sát khu vực hành lang lớp học khiến nguy cơ đe dọa an toàn của trẻ vẫn thường trực. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, nhiều cơ sở đã trang bị thêm máy chiếu, màn hình LCD cỡ lớn phục vụ giờ học ngoại ngữ của trẻ. Thiết bị ngày càng nhiều nhưng diện tích lớp học không thể “nở nồi” khiến giáo viên phải nghĩ cách di dời một số vật dụng lên cao, treo thêm các kệ di động khiến không gian lớp học bị ảnh hưởng, trông vừa nhếch nhác vừa tiềm ẩn nguy cơ thiếu an toàn cho trẻ.

Cùng với áp lực gia tăng dân số, nhu cầu đáp ứng đủ chỗ học cho trẻ ngày càng cao, đè nặng lên vai các cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập. Song cũng chính vì chạy theo số lượng, nhiều chủ cơ sở mầm non đã bỏ quên yếu tố chất lượng, vốn là yêu cầu đầu tiên, quan trọng nhất của bậc học đòi hỏi cao hơn về sự an toàn, đảm bảo sức khỏe và tính mạng trẻ so với các bậc học khác. Một năm học mới đã bắt đầu nhưng xem ra bậc học mầm non vẫn còn nhiều việc phải chấn chỉnh. Xin đừng để đến khi tai nạn xảy ra mới nói hai chữ “giá như”, vì khi đó mọi sự rút kinh nghiệm đều trở thành quá muộn…

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục