Từ nhiều thập kỷ qua, các tổ chức quốc tế như Liên hiệp quốc (LHQ) và Ngân hàng thế giới (WB) đã ủng hộ mạnh mẽ cơ hội được học tập và giáo dục cho nữ giới, xem nó như giải pháp then chốt để giảm bớt tình trạng bất bình đẳng và diệt trừ tận gốc nạn nghèo đói.
Theo một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Phát triển châu Phi, tuy phụ nữ toàn cầu đang tiến gần đến việc xóa sổ khoảng cách giáo dục so với nam giới, nhưng chưa tiếp cận được sự công bằng trong những cơ hội tuyển dụng việc làm. Họ vẫn tụt lại phía sau trong tuyển dụng và trong các cơ quan đại diện chính trị, với tỷ lệ tương ứng là 70% và 26%.
Stephanie Seguino, đồng tác giả của nghiên cứu và là nhà kinh tế của Đại học Vermont, Mỹ tuyên bố: “Rõ ràng, nếu chỉ có giáo dục thì chưa thể giải quyết được vấn đề. Chúng ta cần các công cụ chính sách cụ thể để phá vỡ rào cản phân biệt giới tính”. Để thực hiện nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Seguino theo dõi 3 hạng mục chính, bao gồm khả năng, nghề nghiệp, sự phân công công việc và nơi làm việc. Cuộc nghiên cứu tiến hành 3 thập kỷ thông qua số liệu của WB và Tổ chức Lao động thế giới (ILO) này phát hiện rằng, qua bao thập kỷ vẫn tồn tại các định kiến giới tính về quyền có công việc và nhiều bằng chứng chứng minh rằng trụ cột gia đình luôn được mặc định là nam giới. Vì thế, khi các công việc khan hiếm, thì nam giới luôn được ưu tiên. Phụ nữ luôn bị đặt lên vai gánh nặng chăm sóc con cái, người cao tuổi.
Phụ nữ Nhật Bản thụ hưởng sự giáo dục hầu như không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, dù vậy chỉ có 63% phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động, thấp hơn nhiều so với các quốc gia giàu có khác. Tương tự, phụ nữ tại Hàn Quốc cũng gặp nhiều khó khăn trong việc theo đuổi sự nghiệp. Mặc dù năm 2001, Chính phủ Hàn Quốc thành lập Bộ Bình đẳng giới để nỗ lực giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới, bằng việc tăng ngân sách cho bộ này, nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc trẻ em... Dầu vậy, theo Korean Expose, tuy phụ nữ tại Hàn Quốc có triển vọng thụ hưởng một cuộc sống tốt hơn trước đây nhưng con đường dẫn quốc gia Đông Á này đến bình đẳng giới thật sự vẫn còn dài.
Theo nghiên cứu, những thay đổi về bình đẳng giới phải thích hợp với những thay đổi đại diện chính trị, bởi đây được xem như một đấu trường mà nơi đó, phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi nhất. Đã có những bước tiến lớn được phát triển theo hướng công bằng giới tính trong giáo dục và đời sống, đại diện chính trị chỉ đạt được bước tiến nhỏ trong 3 thập kỷ qua. Phụ nữ chỉ chiếm 26% số ghế trong quốc hội trên toàn cầu trong năm 2011 so với 12% trong năm 1990. Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ vào tháng 3-2015, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã nhấn mạnh : “Hiện vẫn còn 5 nước không có đại diện nữ giới trong quốc hội và vẫn có 8 nước trên thế giới không có đại diện nữ giới trong chính phủ. Tôi hối thúc lãnh đạo các nước này làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy quyền của phụ nữ”.
Những ngày này, cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thư ký LHQ càng nóng khi xuất hiện 4 nữ ứng viên. Đây có thể là sự thay đổi mang tính lịch sử của diễn đàn đa phương lớn nhất thế giới này, nếu LHQ có nữ Tổng thư ký đầu tiên
HẠNH CHI