Hiện nay, việc thu gom rác thải trên địa bàn TPHCM vẫn chưa quy về một mối, mà đang phân cấp cho các sở, ngành cùng quản lý. Từ đó xảy ra việc nhiều đơn vị cùng tham gia quét dọn một con đường; chất lượng quét dọn, vệ sinh đường phố, khu công cộng… tại từng quận, huyện không đồng đều, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Một con đường 4 đơn vị quét
Thống kê cho thấy, mỗi năm TP bỏ ra từ 900 - 950 tỷ đồng cho công tác trung chuyển, vận chuyển chất thải sinh hoạt, đô thị, nhưng thực sự chất lượng công tác thu gom vẫn chưa tương xứng với số tiền chi trả của cơ quan chuyên trách. Điều này thể hiện sự phối hợp thiếu nhịp nhàng, mạnh ai nấy làm, sạch ai nấy hưởng. Nên mới có cảnh, cùng một tuyến đường, thậm chí nửa đoạn cầu, nhưng có phần thì khá sạch sẽ và đoạn còn lại khá nhếch nhác, chỉ vì… chưa tới ngày làm sạch cho đường; hoặc do thuộc địa bàn khác quản lý. Ví dụ, ngay khúc giữa cầu Chợ Cầu (giáp ranh quận Gò Vấp và quận 12). Khách quan mà đánh giá, cầu Chợ Cầu đã sạch sẽ hơn so với các năm trước đây, nhất là từ khi gắn camera ghi hình những người thiếu ý thức (tè bậy, xả rác bừa bãi), nhưng việc các bọc rác vô chủ nằm rải rác sát lề đường vẫn thỉnh thoảng xuất hiện. Tình trạng xả rác có ngày nằm ở mé cầu thuộc địa giới hành chính quận Gò Vấp và có ngày nằm ở phía quận 12. Lý do đơn giản, chỉ vì nơi đây là… khu vực giáp ranh. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, lãnh đạo Phòng Tài Nguyên và Môi trường cả hai quận 12 và Gò Vấp đều khẳng định, các đơn vị chuyên trách đã thường xuyên thu gom, làm sạch rác thải, xà bần… đối với khu vực địa giới hành chính do đơn vị mình phụ trách. Còn việc xử lý rác thải vùng giáp ranh cũng có thực hiện, nhưng không dễ để xử lý các đối tượng vi phạm.
Thu gom rác trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ
Trên thực tế, điều này xuất phát từ bất cập trong quy định khi thực hiện phân tán hoạt động quản lý môi trường về cho từng quận, huyện. Theo đó, mỗi quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý vệ sinh môi trường trên địa bàn của mình. Với cách quy định này, cho đến nay, chỉ riêng trong lĩnh vực quản lý chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn TP đang có đến khoảng 26 đầu mối. Và đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn TP ngày càng suy giảm.
Điểm sơ qua một số tuyến đường trên địa bàn TPHCM có thể thấy tình trạng một con đường lại có nhiều đơn vị quét vệ sinh diễn ra phổ biến. Chẳng hạn, đường Trường Chinh, giáp ranh quận Tân Bình với quận 12; hoặc đường Quang Trung (giáp ranh quận Gò Vấp với quận 12). Ở giữa đường, phía con lươn phân cách sẽ do một đơn vị thuộc Sở Giao thông Vận tải phụ trách quét dọn; phía lề đường do Công ty TNHH một thành viên Công viên Cây xanh quét dọn. Đoạn từ mép đường tới lề đường (khoảng 1m) lại do Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận, huyện quét dọn. Toàn bộ mặt cầu (Tham Lương, Chợ Cầu, Quang Trung) do Công ty Quản lý cầu đường chịu trách nhiệm làm sạch… Chính vì thế, rác, cát, đất đá các loại, đặc biệt là các điểm giáp ranh không được quét dọn, thu gom thường xuyên, đồng loạt, nên đùn thành vệt dài, gây trơn trượt, dễ xảy ra tai nạn.
Anh Mai Quốc Vũ, ngụ Quang Trung, quận Gò Vấp, phản ánh: “Cách đây vài ngày, tôi có dịp qua nhà em gái ở đường Tô Ký (quận 12) dự tiệc. Khi chạy tới khúc cua dưới chân cầu vượt Quang Trung trên đường Tô Ký, đoạn rẽ vào Công viên Phần mềm Quang Trung, tôi bất ngờ lạc tay lái, chạy xe loạng choạng suýt ngã ra đường vì gặp phải vệt cát dài, dày ôm sát con lươn cầu”. Trước bức xúc này của người dân, PV Báo SGGP đã trao đổi với đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 12, vị này chia sẻ, trách nhiệm làm sạch đất, cát… của cầu vượt Quang Trung và cả con lươn đường Tô Ký lại do một đơn vị khác quản lý, chứ không phải của quận 12.
Hợp nhất quản lý, giảm lãng phí xã hội
Ông Ngô Toại Chương, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Gò Vấp, nhìn nhận có sự bất cập phát sinh trong công tác đảm bảo vệ sinh vào ban ngày (các khu quản lý giao thông thực hiện) trên các tuyến đường giao thông chính, ngay sau khi Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích làm nhiệm vụ vệ sinh xong mỗi đêm. Cụ thể, rác, xà bần của các phương tiện giao thông, nhất là xe tải, trong quá trình lưu thông rơi vãi trên đường không được cơ quan chức năng xử lý kịp thời. Theo đó, để đảm bảo vệ sinh chung, phía quận Gò Vấp đã thường xuyên yêu cầu Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích hỗ trợ thu dọn, không phân biệt mặt cầu, lề đường... “Để giải quyết triệt để tình trạng này, kiến nghị TP nên xem xét hợp nhất công tác quản lý môi trường nói chung bao gồm quét dọn rác vệ sinh các tuyến đường, thu gom rác thải, xà bần rơi vãi từ phương tiện giao thông”. Riêng ông Đặng Hải Bình, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận 12, cho biết, hiện vẫn còn tình trạng một bộ phận người dân chưa có ý thức bảo vệ môi trường, vứt rác thải bừa bãi, nhất là vào ban đêm, khiến lực lượng chức năng chuyên trách khó phát hiện, xử lý. Ngoài ra, chưa có quy định cụ thể về quản lý lực lượng thu gom rác dân lập nên chưa có cơ sở xử lý các vi phạm có liên quan…
Theo nhận định của các chuyên gia môi trường, không thể nâng cao chất lượng quản lý môi trường nếu thực hiện phân địa giới hành chính cứng để quản lý. Ngược lại phải hợp nhất về mặt quản lý, phải có một đơn vị chịu trách nhiệm tổng thể. Từ đó, phân khu vực để quản lý chất lượng môi trường. Có như vậy mới giảm thiểu lãng phí xã hội cho các hoạt động đầu tư trang thiết bị, sử dụng hiệu quả nguồn nhân công và thời gian lao động. Ông Đặng Hải Bình thông tin thêm, Sở Giao thông Vận tải cũng có đề xuất UBND TP thống nhất về việc quản lý chất lượng vệ sinh môi trường nhưng hiện tại TP vẫn đang xem xét giải quyết.
THI HỒNG