Gần đây, báo chí có đề cập đến những con đường mang tên lạ ở TPHCM. Mang tên chữ rất dân dã như Đường Vành Đai Trong, Đường Kênh Nước Đen, Lộ Tẻ, Bờ Tuyến… (ở quận Bình Tân), Đường Dọc Kênh 19-5… (quận Tân Phú), Đường Vào Chùa Khánh An, Đường Vào Chợ An Sương… (quận 12), Đường Vào Trường Cấp I, II Bình Chánh… (huyện Bình Chánh), Đường Cựu Chiến Binh Không Rác (huyện Hóc Môn)... Lại có những tên chữ viết tắt kèm theo số để phân biệt, như Đường XTT 4 (Xuân Thới Thượng 4); Đường TMT 2A (đường Trung Mỹ Tây 2A); thậm chí chỉ có số kèm ký hiệu, như Đường 7A, Đường 2B…
Những tên đường lạ nói trên do người dân địa phương tự đặt để tiện giao dịch. Trước đây ở quận Tân Bình tồn tại khá lâu những tên đường không giống ai như Đường Bên Hông Trường Mầm Non, Đường Trước Trường Mầm Non, Đường Kế Xí Nghiệp Đông Lạnh, Đường Ven Tường Rào Sân Bay… Mãi đến năm 2008, UBND TPHCM mới ban hành quyết định (số 4610/QĐ-UBND, ngày 29-10-2008) chính thức đặt tên các đường trên thành Đặng Minh Trứ, Bùi Thế Mỹ, Thái Thị Nhạn, Tân Sơn … Do đó, đối với những tên đường lạ nêu trên hoặc một số tên khác như “Đường Vào Trung Tâm Thương Mại Bình Điền (quận 8), Đường Nối Từ Đường Thành Thái Ra Đường Sư Vạn Hạnh (quận 10), Đường Nối Từ Cách Mạng Tháng Tám Ra Hoàng Sa (quận 3), Đường Dọc Kênh Nhật Bản (quận Phú Nhuận) UBND TP cần sớm có quyết định đặt tên mới cho phù hợp.
Ở TPHCM lâu nay có nhiều tên danh nhân bị viết sai khi lấy làm tên đường. Thí dụ: Trương Quốc Dụng (1797-1864, danh sĩ triều Nguyễn; đặt tên đường ở quận Phú Nhuận) bị viết sai thành Trương Quốc Dung. Trần Khát Chân (1370-1399, danh tướng thời Trần. Tên đường ở quận 1 và quận Phú Nhuận) viết sai thành Trần Khắc Chân. Phạm Văn Tráng (? – 1913, thành viên của tổ chức Việt Nam Quang phục Hội, bị thực dân Pháp xử tử năm 1913; tên đường ở quận 1) viết sai thành Nguyễn Văn Tráng. Quách Diêu (nhà văn người dân tộc Mường trước Cách mạng Tháng 8; tên đường ở huyện Bình Chánh) viết sai thành Quách Điêu… Những tên đường này nhất thiết phải được sửa lại, càng sớm càng tốt, không nên để như vậy mãi!
Về đường trùng tên, TPHCM hiện có hơn 140 danh nhân hoặc địa danh nổi tiếng được dùng đặt tên đường nhiều lần, chẳng hạn như Ngô Quyền, Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Trường Tộ, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học (4 lần)… Đường Hai Bà Trưng đã đặt 3 lần (ở quận 1, quận 9, liên quận Bình Thạnh – Gò Vấp), lại có thêm đường Trưng Nữ Vương (ở huyện Hóc Môn). Có 3 đường Phan Bội Châu (ở quận 1, quận Bình Thạnh, quận 9), lại có thêm đường Phan Sào Nam (ở quận Tân Bình). Cũng vậy, đường Phan Chu Trinh có ở quận 1, quận Bình Thạnh, quận Tân Bình, quận 9, đồng thời lại có thêm đường Phan Tây Hồ ở quận Phú Nhuận. Tương tự đường Trần Hưng Đạo (3 tên) với đường Trần Quốc Tuấn; đường Nguyễn Huệ - Quang Trung (2); đường Đinh Tiên Hoàng (2) – Đinh Bộ Lĩnh; đường Nguyễn Khuyến (2) – Yên Đỗ; đường Hoàng Hoa Thám (2) – Đề Thám; đường Nguyễn Duy Dương – Thiên Hộ Dương; đường Trần Kế Xương – Tú Xương; đường Trương Định – Trương Công Định…, mặc dù các cặp tên trên chỉ một người thôi (ngoại trừ Hai Bà Trưng)! Về lâu dài, các tên đường trùng lắp này cần được thay thế dần, dẫu biết việc làm ấy không đơn giản.
Khó khăn lớn nhất trong công tác đặt, đổi tên đường ở TPHCM hiện nay là sự cạn kiệt của quỹ tên đường. Trong quá trình đô thị hóa diễn ra từ hơn 20 năm qua, nhu cầu tên đường mới của cả thành phố rất lớn - hơn 2.000 (riêng huyện Củ Chi cần hơn 1.100 tên), quỹ tên đường của thành phố hiện có không đủ đáp ứng. Do đó, việc cần làm trước tiên trong công tác đặt, đổi tên đường hiện nay, biên soạn nhanh, nhiều tên đường mới (có chất lượng). Trong khi đó, nguồn quan trọng nhất, lịch sử dân tộc vẫn còn nhiều tên danh nhân và địa danh chưa được khai thác hết. Theo đó, tiêu chuẩn hàng đầu để chọn đặt tên đường phải là các nhân vật tiêu biểu, có cống hiến to lớn, được nhiều người biết.
Phan Trọng Hiền