Bất cập trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, để thu gom 7.200 - 7.400 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, TP phải chi ra hàng ngàn tỷ đồng tiền ngân sách hàng năm. Thế nhưng, thực tế cho thấy, mặc dù kinh phí bỏ ra cho công tác làm sạch đẹp phố phường không hề nhỏ, nhưng hiệu quả đem lại chưa được như mong muốn.
Bất cập trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, để thu gom 7.200 - 7.400 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, TP phải chi ra hàng ngàn tỷ đồng tiền ngân sách hàng năm. Thế nhưng, thực tế cho thấy, mặc dù kinh phí bỏ ra cho công tác làm sạch đẹp phố phường không hề nhỏ, nhưng hiệu quả đem lại chưa được như mong muốn.

Chi 2.200 - 2.400 tỷ đồng/năm

TPHCM có dân số hơn 10 triệu người, với tốc độ công nghiệp hóa cao nhất cả nước; đồng thời cũng là đầu tàu về kinh tế, văn hóa của cả nước. Chính vì thế, việc xử lý, giải quyết số lượng chất thải rắn sinh hoạt/đô thị (gọi tắt là chất thải rắn sinh hoạt) mỗi ngày của một TP đông dân là vấn đề không nhỏ.

Theo tính toán của Sở TN-MT TPHCM, mỗi ngày, TP “xả” ra khoảng 9.000 - 10.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, số lượng thu gom, xử lý tại các khu liên hợp đạt khoảng 7.200 - 7.400 tấn chất thải; số còn lại được phân loại tại nguồn, thu gom bán cho các vựa ve chai… Các hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt bao gồm: quét dọn, vệ sinh đường phố và các khu công cộng; thu gom chất thải rắn tại các nguồn phát thải và trên kênh rạch; vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ các điểm hẹn đến trạm trung chuyển và từ các trạm trung chuyển đến các khu liên hợp, nhà máy xử lý chất thải… Kinh phí phục vụ cho tất cả các hoạt động này khoảng 2.200 - 2.400 tỷ đồng/năm, với mức tăng 6% - 8% năm; trong đó 10% (tương đương 220 - 240 tỷ đồng) của các chủ nguồn thải trả phí vệ sinh, 90% ngân sách TP. Toàn bộ các dịch vụ này đều do các công ty và cá nhân cung cấp bằng hợp đồng với các cơ quan quản lý nhà nước.

Điểm thu gom rác sinh hoạt trên đường Tân Sơn, quận Gò Vấp, TPHCM         Ảnh: CAO THĂNG

Hiện nay, công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt từ nhiều nguồn thải do các lực lượng thu gom rác dân lập và các tổ vệ sinh của những công ty dịch vụ công ích quận, huyện thực hiện theo các dây rác (180 - 200 hộ/dây rác). Phí thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn do các chủ nguồn thải chi trả hàng tháng, gián tiếp qua UBND phường, xã hoặc trực tiếp cho người thu gom. Tổng kinh phí thu được qua phí vệ sinh dao động khoảng 200 tỷ đồng mỗi năm, chi cho các đơn vị, cá nhân thu gom khoảng 140 - 150 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách khoảng 50 - 55 tỷ đồng/năm, chi cho công tác quản lý (phường, xã) khoảng 700 - 800 triệu đồng/năm. UBND các quận, huyện, phường, xã kiểm tra, giám sát chất lượng của hoạt động thu gom chất thải rắn tại nguồn.

Riêng những chủ nguồn thải có khối lượng lớn (chẳng hạn như nhà hàng, khách sạn, siêu thị, bệnh viện, chợ đầu mối) thường ký hợp đồng thu gom trực tiếp với các tổ chức thu gom tư nhân, công ty môi trường hoặc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích các quận, huyện.

Bất nhất chất lượng thu gom

Mặc dù kinh phí cho công tác quét dọn thu gom chất thải rắn sinh hoạt là không nhỏ, nhưng chất lượng thu gom hiện nay không đồng nhất. Đáng chú ý trong số này là chất lượng công tác thu gom từ các tổ thu gom rác dân lập. Vấn đề này nhiều năm qua làm đau đầu các cơ quan chuyên trách của TP, như thu gom tùy tiện, không đầy đủ, làm mất vệ sinh đường phố, thu phí tùy tiện…

Bức xúc về vấn đề này, nhiều người dân sống trên địa bàn quận 3, quận 10, quận Gò Vấp… đã phản ánh với Báo SGGP với cùng nội dung: Xe tự chế chở rác hôi thối, rác rơi vương vãi khiến người dân lưu thông trên đường vô cùng khó chịu. Chưa kể, một số người thu gom rác dân lập còn tự động tăng phí tùy tiện. Chị Lan Anh, người dân ngụ tại chung cư Ấn Quang, quận 10, cho biết: “Thỉnh thoảng người thu phí gom rác tự động tăng giá mỗi hộ khoảng 5.000 - 10.000 đồng vào các ngày lễ, tết với lý do tết đến mọi thứ đều tăng giá… Thực sự, số tiền này chẳng đáng là bao, nhưng việc các chủ dây rác tùy tiện tăng phí khiến người dân không được thoải mái”.

Bên cạnh bất cập trong việc thu gom rác dân lập, thì công tác thu gom rác công lập ở nội thành so với ngoại thành cũng có nhiều khác biệt. Điển hình phải kể tới việc thu gom rác trên đại lộ Nguyễn Văn Linh (giáp ranh quận 7 với huyện Bình Chánh), rác thải trên đường Tân Sơn (đối diện Làng trẻ em SOS quận Gò Vấp)… Người dân sống quanh khu vực này không lạ gì tình trạng những người thiếu ý thức tranh thủ trời chập choạng tối lén đổ xà bần, rác công nghiệp, thậm chí gia súc, gia cầm chết các loại ra tuyến đường này. Vô tình mặc định nơi này như một bãi rác lộ thiên. Mặc dù rác rưởi trên đường Tân Sơn (Gò Vấp) được dọn dẹp đều đặn hơn so với tuyến Nguyễn Văn Linh, nhưng tuyến Tân Sơn có lưu lượng xe cộ qua lại dày đặc, gần trường học… nên việc bãi rác hôi thối ngang nhiên xuất hiện càng khiến cho người dân khổ sở vô cùng.

“Nhiều hôm xe rác chưa kịp thu gom làm cho bãi rác bốc mùi hôi nồng nặc. Người đi đường chỉ còn biết bịt mũi, nín thở khi chạy xe ngang qua”, chị Nguyễn Ngọc Long, ngụ tại đường Quang Trung, quận Gò Vấp nói.

Nhìn nhận một cách khách quan, chúng ta không thể phủ nhận công sức của các lực lượng thu gom rác hiện nay. Bởi họ đã và đang ngày đêm góp phần giữ gìn, làm trong sạch môi trường TP. Kinh phí bỏ ra mỗi năm cho việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt lên tới hàng ngàn tỷ đồng, thế nhưng đã bộc lộ nhiều bất cập, phát sinh không ít sự cố mà cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa giải quyết được. Rõ ràng, đã tới lúc cơ quan chuyên trách cần ngồi lại, tìm ra các nguyên nhân dẫn đến thực trạng bất cập trên để từ đó có cách khắc phục kịp thời. Có vậy mới hy vọng môi trường TP ngày càng trong lành, sạch đẹp hơn.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục