Ngày 14-6, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM đã có buổi làm việc giám sát với Sở Y tế TPHCM và các sở ngành liên quan về công tác y tế dự phòng trên địa bàn thành phố. Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc “tái cấu trúc” lại ngành y tế dự phòng vốn dĩ đang quá nhiều bất cập.
Không thu hút được nhân lực
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế TPHCM, hệ thống y tế dự phòng (YTDP) thành phố gồm có tới 12 trung tâm không giường bệnh, 24 trung tâm YTDP quận huyện và 322 trạm y tế phường, xã. Tuy nhiên, đến nay mới được 292 trạm y tế đạt chuẩn theo quy định. Mặt khác, nguồn nhân lực YTDP còn quá thiếu khi chỉ có 5.046 cán bộ trên tổng số 43.370 cán bộ toàn ngành y tế (chiếm 11,63%), trong đó có 700 bác sĩ đang làm việc trong hệ thống YTDP.
Trong khi đó, áp lực gia tăng dân số, dịch bệnh nổi lên liên miên, mô hình bệnh tật thay đổi nên nhân lực YTDP không đáp ứng nổi. Đã vậy, không thu hút được bác sĩ về công tác cho hệ thống YTDP vì chính sách lương bổng quá èo uột.
Theo ông Nam, thu nhập bình quân tăng thêm ngoài lương của cán bộ YTDP khoảng 0,54 lần, trong khi cán bộ ở bệnh viện có thu nhập tăng thêm ngoài lương bình quân từ 0,7 lần, cao nhất là 1.16 lần. “Thu nhập thấp là nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt nhân lực YTDP”, ông Nam nói. Hơn nữa, từ khi Luật Khám chữa bệnh có hiệu lực, bác sĩ làm công tác YTDP không được mở phòng mạch nên không có thu nhập thêm và không ai mặn mà về làm việc.
Theo Sở Y tế TPHCM, hệ thống YTDP của thành phố gồm rất nhiều việc chứ không phải mỗi phòng chống dịch bệnh, trong đó có cả an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng ngừa các bệnh mãn tính không lây, các bệnh truyền nhiễm, dinh dưỡng, sức khỏe lao động - môi trường, chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, kế hoạch hóa gia đình, kiểm dịch y tế… Thế nhưng, với cơ chế hiện nay, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của YTDP vốn dĩ rất quan trọng cho người dân thành phố.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cũng thừa nhận YTDP chưa đáp ứng được yêu cầu phòng bệnh cho người dân. Do đó, sắp tới ngành y tế sẽ triển khai thêm các giải pháp lâu dài như khám chữa bệnh ban đầu bảo hiểm y tế ở trạm y tế, xây dựng các trung tâm an toàn vệ sinh thực phẩm liên quận… Đặc biệt, tăng cường công tác đào tạo các chuyên ngành y tế dự phòng, y tế cộng đồng, bác sĩ gia đình để đáp ứng yêu cầu công việc YTDP hiện nay.
Đổi Trung tâm YTDP thành Trung tâm Y tế
Theo ông Phạm Việt Thanh, nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM, YTDP hiện chỉ chờ ngân sách hoạt động mà không có nguồn thu gì thêm. Vì vậy, nên cho xã hội hóa YTDP để tăng thêm nguồn lực xã hội, đáp ứng yêu cầu phòng chữa bệnh cho người dân, vừa giảm ngân sách. “Các trung tâm YTDP hiện được đầu tư khá đầy đủ trang thiết bị, nhân lực lại là bác sĩ điều trị mà không được khám bệnh thì lãng phí”, ông Thanh nói.
Giáo sư - Viện sĩ Dương Quang Trung, nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cũng nhìn nhận YTDP thành phố còn nhiều hạn chế và cần một tư lệnh làm tổng chỉ huy và có sự liên kết tốt với hệ điều trị. Giáo sư - Viện sĩ Dương Quang Trung cũng cho rằng cần đổi tên Trung tâm Y tế dự phòng thành Trung tâm Y tế để có chức năng khám bệnh phù hợp hơn bởi thực tế các trạm y tế, trung tâm YTDP hiện vẫn khám các bệnh.
Ông Lê Trường Giang, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP cũng đề xuất đổi tên thành Trung tâm Y tế để đảm bảo chức năng đầy đủ hơn, cùng với đó là xây dựng sớm hệ thống cảnh báo, giám sát, cách ly và kiểm dịch…
Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, đề nghị Sở Y tế TP phải đánh giá một cách trung thực, nhìn nhận một cách cầu thị về thực trạng hệ thống YTDP hiện nay. Ông Hùng cho rằng cần có kế hoạch đầu tư cho YTDP nhưng đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, nhất là đầu tư nhân lực, có chích sách phù hợp để tiến tới YTDP phải đáp ứng yêu cầu phòng bệnh, chăm sóc bệnh cho người dân.
TƯỜNG LÂM