Một nhà lãnh đạo lực lượng áo đỏ ủng hộ Chính phủ Thái Lan đã trúng đạn bị thương vào ngày 22-1 ở phía Đông Bắc Thái Lan, thành trì của Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra. Trong khi tại Bangkok, tình trạng khẩn cấp bắt đầu có hiệu lực, tình hình biểu tình vẫn ở thế giằng co với chính phủ.
Lãnh đạo lực lượng áo đỏ bị bắn
Các chuyên gia nhận định, những người tổ chức cuộc biểu tình chống chính phủ tại Bangkok đang chờ thêm thời gian và thời cơ thích hợp để gây bạo động bất chấp tình trạng khẩn cấp. Nếu cảnh sát mạnh tay theo các điều luật của tình trạng khẩn cấp, người biểu tình càng có cớ cáo buộc chính phủ gây đổ máu. Trong khi đó, theo Reuters, Chính phủ Thái Lan mong đợi có thể dùng tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn sự leo thang của các cuộc biểu tình vốn kéo dài hơn hai tháng qua.
Ngày đầu tiên sau khi tình trạng khẩn cấp có hiệu lực, Bangkok yên ắng khác thường trong khi mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường và cảnh sát vẫn chưa mạnh tay giải tán các cuộc biểu tình.
Theo AFP, tại tỉnh Udon Thani, phía Đông Bắc Thái Lan, lãnh đạo phe áo đỏ ủng hộ chính phủ, ông Kwanchai Praipana, đã bị một người lạ mặt đi xe ngang nhà riêng bắn bị thương ở cánh tay và chân. Cảnh sát cho biết họ tin rằng hành động này mang động cơ chính trị. Cảnh sát nói họ đã tìm thấy 39 vỏ đạn tại nhà.
Ông Praipana từng lên tiếng sẽ “chiến đấu tới cùng” nếu quân đội lật đổ chính phủ của Thủ tướng tạm quyền Yingluck. Ông Kwanchai Praipana từng dẫn đầu hàng ngàn người biểu tình ủng hộ chính phủ ở tỉnh Udon Thani.
Quân đội sẵn sàng can thiệp
Tư lệnh lục quân Thái Lan Prayuth Chan-ocha nói với các phóng viên rằng “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình nhưng nếu có bạo lực bùng nổ và không ai có thể giải quyết, các binh sĩ sẽ phải đứng ra giải quyết. Chúng tôi sẽ bảo vệ đất nước với các phương pháp đúng đắn và sẽ không đưa đất nước vào tình trạng bạo lực”.
Thương vong do bạo lực xảy ra nhiều hơn. Kể từ khi cuộc biểu tình bắt đầu vào cuối tháng 11-2013, đã có 9 người chết và hàng chục người bị thương, đặc biệt là trong 2 vụ nổ lựu đạn hồi cuối tuần qua.
Cùng ngày 22-1, Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) cho biết sẽ tìm một phán quyết từ Tòa án hiến pháp để có thể trì hoãn cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 2-2 theo yêu cầu của Thủ tướng tạm quyền Yingluck. EC lo lắng khả năng xảy ra bạo lực trong ngày bỏ phiếu và cho rằng các cuộc biểu tình đã ngăn chặn một số ứng viên đăng ký, có nghĩa là sẽ không có đủ số đại biểu quốc hội cần thiết được bầu.
Thêm một vấn đề khó khăn cho bà Yingluck khi nông dân, lực lượng từng ủng hộ bà Yingluck, đe dọa sẽ tham gia cuộc biểu tình nếu họ không được trả tiền bán gạo cho chính phủ theo chương trình thu mua giá cao do chính phủ của bà Yingluck chủ trương. Chính phủ của bà được đảm bảo nông dân sẽ mua gạo giá cao hơn thị trường nhưng tới nay chương trình gặp khó khăn do thiếu kinh phí. Chính phủ Thái Lan đã bán trái phiếu để tài trợ cho chương trình này nhưng EC đã từ chối ủng hộ.
Trong một diễn biến có liên quan, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, Nhật Bản quan ngại sâu sắc và theo dõi chặt chẽ tình hình Thái Lan. “Nhật Bản hy vọng không xảy ra bạo lực và kêu gọi các bên tìm giải pháp hòa bình thông qua đối thoại”, ông Suga nói. Mỹ cũng kêu gọi các bên kiềm chế sử dụng bạo lực.
THỤY VŨ (tổng hợp)