Bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được để thiếu nguồn cung xăng dầu

Ngày 24-10, Bộ Công thương đã tổ chức cuộc họp khẩn với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. 
Chủ cây xăng ở miền Tây phải treo bảng hết xăng vì khan hiếm nguồn cung
Chủ cây xăng ở miền Tây phải treo bảng hết xăng vì khan hiếm nguồn cung

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong quý 4, Bộ Công thương dự kiến phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu (bao gồm nhập khẩu, mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước, tự sản xuất, pha chế) với tổng cộng là 5,5 triệu m3/tấn.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo, đối với khối lượng này thì chắc chắn phải nhập thêm. Nhưng với giá cả hiện tại, dự báo trong tháng 11 và 12, các doanh nghiệp có thể chịu lỗ hơn 1.000 đồng/lít.

Tại cuộc họp, ông Bùi Ngọc Bảo, cho biết, chi phí lưu thông của xăng dầu giúp hàng hóa được bán ra thị trường từ thương nhân phân phối, đến cửa hàng bán lẻ đã áp dụng từ năm 2014 đến nay nhưng vẫn chưa được sửa đổi dù hiệp hội đã kiến nghị nhiều lần và theo quy định là phải rà soát hàng năm.

Chi phí nhập khẩu dù đã được điều chỉnh nhưng thực tế thời gian qua tăng rất cao, nên việc điều chỉnh không sát thực tế, dẫn đến các doanh nghiệp lỗ hơn 2.000 tỷ đồng từ chi phí tạo nguồn trong quý 3. Trong đó, chi phí tạo nguồn ở nước ngoài về, theo tính toán, doanh nghiệp chịu lỗ tới 650 đồng/lít xăng trong quý 3. 

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị trong bất cứ hoàn cảnh nào các doanh nghiệp cũng không được để thiếu nguồn cung xăng dầu cho đất nước. Dù giá cao hay thấp, đều phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chức năng, nhiệm vụ là bảo đảm cung ứng đầy đủ sản lượng được phân giao từ đầu năm và kế hoạch điều chỉnh trong tháng 10.
“Bất kể doanh nghiệp nào, nếu kiểm tra lần một, không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ sẽ bị xử phạt hành chính. Đến lần thứ hai, khi kiểm tra vẫn vi phạm thì sẽ phạt nhiều hơn theo quy định của pháp luật và nếu tiếp tục vi phạm sẽ thu hồi giấy phép”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói. Bộ Công thương yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối khẩn trương lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, hợp đồng mua bán cụ thể, chi tiết cho từng tuần, từng tháng, hàng quý và cả năm theo kế hoạch được phân giao, nhất là thời điểm cuối năm.
Đồng thời, các thương nhân phân phối cũng phải bảo đảm lượng dự trữ thương mại theo quy định; triển khai phần mềm quản lý trong kinh doanh xăng dầu, kết nối từ Bộ Công thương đến các doanh nghiệp để minh bạch hóa thông tin và bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp với nhau. Thời gian thực hiện từ ngày 1-1-2023.

Tin cùng chuyên mục