Từ ngày 8-1, công dân Ai Cập sống ở nước ngoài đi bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu ý kiến về Hiến pháp mới. Cách đây hơn 1 năm, người dân Ai Cập cũng đã bỏ phiếu thông qua bản Hiến pháp do Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) soạn thảo. Nhưng giờ đây tình hình đã khác. Tổng thống Morsi bị lật đổ, ông và nhiều thành viên của MB bị bắt.
Cấm các đảng Hồi giáo tham gia chính trị
Hàng ngàn người dự kiến sẽ đến các đại sứ quán Ai Cập trên toàn thế giới bỏ phiếu về dự thảo Hiến pháp mới. Dự thảo Hiến pháp mới do chính phủ được quân đội hậu thuẫn soạn thảo trong đó cấm các đảng Hồi giáo, các thành viên cơ quan lập pháp của chính phủ cũ tham gia chính trường. Người nước ngoài sẽ có thể bỏ phiếu cho đến ngày 12-1, trước khi cuộc trưng cầu dân ý trong nước dự kiến vào 2 ngày 14 và 15-1.
Khoảng 2,7 triệu người Ai Cập sống ở nước ngoài, theo Tổ chức Di dân quốc tế, con số thực tế có thể cao hơn, gần 8 triệu người.
Tuy nhiên, chỉ có 681.346 người Ai Cập ở nước ngoài đã đăng ký bỏ phiếu trên trang web của Ủy ban Bầu cử Ai Cập. Hãng tin AP dẫn lời ông Shadi Hamid, Giám đốc Nghiên cứu của Trung tâm Doha Brookings cho biết không phải tất cả người Ai Cập ở nước ngoài gắn chặt với tình hình đất nước.
Hiến pháp mới sẽ mở đường cho cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp vào cuối năm 2014. Đây cũng là một phần trong lộ trình chính trị mà Tư lệnh quân đội Abdel - Fattah al - Sisi công bố hồi tháng 7-2013. Tướng al - Sisi cũng là người đứng đầu vụ lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi.
Tìm sự đồng thuận từ người dân
Hơn 1.000 người Ai Cập đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng qua giữa lực lượng an ninh với những người ủng hộ MB. Vào ngày 25-12-2013, Chính phủ Ai Cập đã tuyên bố MB là nhóm khủng bố, mở đường cho nhiều vụ trấn áp khác nhắm vào tổ chức này.
Hàng trăm binh sĩ và cảnh sát Ai Cập cũng đã trở thành nạn nhân cuộc tấn công của người Hồi giáo vũ trang ở bán đảo Sinai.
Theo truyền hình Al - Jazeera, Heba Mahmoud, một dược sĩ 29 tuổi sống tại Kuwait, cho biết cô sẽ không tham gia bỏ phiếu vì “Điều đó là vô nghĩa. Tôi tham gia trong cuộc trưng cầu dân ý Hiến pháp năm 2012 hy vọng đất nước sẽ tiến về phía trước, nhưng điều đó đã không xảy ra”. Nhưng chồng cô, Ahmed Adel, một kỹ sư 33 tuổi, cho biết ông sẽ bỏ phiếu ủng hộ dự thảo Hiến pháp. Theo ông, Hiến pháp này “chắc chắn tốt hơn so với Hiến pháp năm 2012 vì tách bạch vai trò giữa chính phủ và quân đội”. Chính phủ do quân đội hậu thuẫn hiện tại ở Ai Cập đã tiến một bước dài trong việc triệt tiêu ảnh hưởng của các nhóm Hồi giáo cực đoan. Tuy nhiên, nhiều khả năng số người đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu này sẽ rất thấp khi nhiều nhóm Hồi giáo, trong đó có MB, kêu gọi cử tri tẩy chay. Thậm chí nhiều nhóm dân sự không liên hệ gì với Hồi giáo cũng tỏ ra bất bình vì dự thảo Hiến pháp này cho phép tòa án binh xét xử thường dân.
Hơn ai hết, Chính phủ Ai Cập đang rất cần một hiến pháp mới để ổn định tình hình, tránh thiệt hại thêm cho nền kinh tế Ai Cập khi mà du khách và nhà đầu tư không còn muốn tới đây. Người dân Ai Cập ở nước ngoài trong năm 2013 đã gửi về nước 20 tỷ USD, đưa Ai Cập vào danh sách 5 nước có lượng kiều hối lớn nhất thế giới. Nhưng số tiền này sẽ giảm đi nhiều, nếu nền kinh tế Ai Cập tiếp tục đi xuống.
THỤY VŨ (tổng hợp)