Tại Hội nghị Đầu tư và quản lý bất động sản (BĐS) du lịch Việt Nam 2012 mới đây, các chuyên gia, nhà tư vấn BĐS cho rằng, BĐS du lịch là một phân khúc được rất nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư, nhưng phân khúc này đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn chung của thị trường BĐS, cũng như do ảnh hưởng sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ông Raymond Clement, Giám đốc điều hành Khối Tư vấn khách sạn Savills Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư BĐS du lịch hơn nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Malaysia…
Nhu cầu còn lớn
Bất động sản du lịch là một thị trường đặc thù, khác với BĐS thông thường là người mua không chỉ để sử dụng, mà còn nhằm mục đích khai khác kinh doanh. Bên cạnh đó, giá trị BĐS du lịch rất lớn nên chỉ dành cho những nhà đầu tư và giới có tiền. Hơn nữa, không nằm ngoài sự khó khăn của thị trường BĐS nói chung nên thị trường BĐS du lịch thời gian qua cũng bị chựng lại. Trong năm 2012, nguồn cung mới của BĐS du lịch cho thị trường cũng giảm đáng kể, tỷ lệ tiêu thụ của mảng thị trường này chỉ khoảng trên dưới 10% trong những quý đầu năm.
Đánh giá về tình hình đầu tư BĐS du lịch Việt Nam, đặc biệt là ngành khách sạn, ông Kenneth Atkinson, Giám đốc điều hành Công ty Grant Thornton Việt Nam cho biết, giá phòng, công suất phòng thời gian gần đây có dấu hiệu giảm từ 5% đến 10%, thị trường khách sạn 5 sao có dấu hiệu tăng trưởng chựng lại. Bên cạnh đó, ngành cung cấp dịch vụ của Việt Nam kỹ năng còn kém vẫn phải dựa vào lao động nước ngoài nên chi phí cao, chất lượng dịch vụ thấp và việc thiết kế khách sạn kém hiệu quả. Ngoài ra, việc hạn chế cấp visa tại điểm đến cho du khách đến Việt Nam cản trở ngành thu hút khách so với các nước trong khu vực…
Mặc dù vậy, nhưng tính chung 10 tháng năm 2012, Việt Nam ước đạt hơn 5,3 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2011. Theo dự báo của Tổng cục Du lịch trong năm 2012, Việt Nam sẽ thu hút 6,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2011), phục vụ 32 triệu lượt khách nội địa (tăng 6,7% so với năm 2011), doanh thu đạt khoảng 150.000 tỷ đồng (tăng 20,83% so với năm 2011).
Chính vì thế, đánh giá về tiềm năng trong lĩnh vực này, các nhà nghiên cứu thị trường cho rằng, đời sống của người dân ngày càng cao, nhu cầu về du lịch ngày một lớn và rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang hướng sự quan tâm của họ đến Việt Nam. Những nhu cầu về khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp về mặt dài hạn còn rất lớn.
Chính vì thế, số dự án trong lĩnh vực khách sạn sẽ tiếp tục gia tăng với nhiều chỗ lưu trú cao cấp để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Số liệu nghiên cứu thị trường của Công ty Grant Thornton Việt Nam cũng cho thấy, mặc dù trong năm 2012, khách sạn tại Việt Nam có độ chững về số lượng, đặc biệt là khách sạn 5 sao nhưng trong năm 2013 Việt Nam sẽ có thêm 5.000 phòng khách sạn bổ sung vào thị trường.
Thay đổi chiến lược để phát triển
Giới chuyên môn cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư vào phân khúc này so với các nước trong khu vực. Bên cạnh một nền kinh tế chính trị ổn định, việc phát triển cơ sở hạ tầng luôn được cải thiện, hành lang pháp lý thay đổi phù hợp… nên Việt Nam sẽ là một môi trường thân thiện cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.
Ông Raymond Clement, Giám đốc điều hành Khối Tư vấn Khách sạn Savills, Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư BĐS du lịch hơn nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Malaysia, Ấn Độ… Hiện các nhà điều hành khách sạn lớn và có uy tín như Eastin Hotel & Residences, Accord và các thương hiệu khách sạn như Ibis, Pullman… tham gia vào thị trường Việt Nam trong thời gian vừa qua, nên giá trị đầu tư những tháng còn lại của năm 2012 sẽ tiếp tục được tăng trưởng.
Nhận định về thị trường BĐS du lịch Việt Nam, ông Kenneth Atkinson, Tổng giám đốc của Công ty Khảo sát Đầu tư Grant Thornton cũng đánh giá Việt Nam có nhiều lợi thế để thu hút du khách như sự phong phú của các điểm du lịch, lợi thế về địa lý và nguồn lực dồi dào để phát triển khách sạn. Theo ông Kenneth Atkinson, so với các thị trường khác như Banglades, Ấn Độ và một vài nước trong khu vực như Lào, Campuchia…. thì tiền lương cho nhân công của Việt Nam còn thấp, số lượng lao động dồi dào và trẻ hóa là lợi thế của Việt Nam.
Tuy nhiên, trình độ chuyên môn và tay nghề của lao động Việt Nam trong lĩnh vực này cần phải được nâng cao hơn nữa vì hiện vẫn chưa đáp ứng được với nhu cầu đòi hỏi của các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, các chuyên gia và tư vấn nước ngoài cho rằng, để tồn tại trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, nhất là khi sự cạnh tranh đang ngày càng quyết liệt hơn trước nguồn cung ngày càng nhiều và tiêu chuẩn lựa chọn của các khách hàng ngày càng cao nên đòi hỏi các nhà đầu tư, quản lý dự án BĐS du lịch phải thay đổi chiến lược, giải pháp cơ cấu dự án cho phù hợp với tình hình hiện tại nhằm thu hút khách hàng.
Về lâu dài, bên cạnh những thuận lợi và nỗ lực của Chính phủ, hiện nay Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ để phát triển BĐS du lịch như cải tiến chính sách để thu hút nhà đầu tư, cho người nước ngoài được sở hữu tài sản ở Việt Nam, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ hơn và đặc biệt là giảm bớt các thủ tục về đầu tư cho người nước ngoài.
MINH HUY