Mới đây, tôi đến Bệnh viện Quận 2 (130 Lê Văn Thịnh, Bình Trưng Tây, quận 2, TPHCM) thăm người bạn vừa “mẹ tròn con vuông” đang nằm tại tại Khoa Sản. Tôi thực sự đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Từ một phòng khám ngoại trú với phạm vi chăm sóc sức khỏe cho vài ngàn hộ dân thuộc xã An Phú, nay Bệnh viện Quận 2 đã có đủ các chuyên khoa lâm sàng: khám bệnh, nội, phẫu thuật - gây mê hồi sức, ngoại, sản, nhi, y học cổ truyền; chịu trách nhiệm chăm sóc y tế cho cả địa bàn quận 2 với dân cư hơn 100.000 người. Ở Khoa Sản, các sản phụ được chăm sóc chuyên môn theo đủ quy trình.
Khi có dấu sanh, sản phụ được thăm khám sớm rồi đeo máy theo dõi tim thai liên tục. Với 5 bàn sanh và lực lượng nữ hộ sinh giàu kinh nghiệm, thông thạo các giai đoạn của cuộc chuyển dạ, nên hơn 5 năm nay, họ đã không để xảy ra trường hợp tai biến sản khoa nào. Những ca tim thai suy, Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức lập tức mở rộng cửa bất kể thời gian nào, đón sản phụ để thực hiện cuộc mổ lấy thai nhanh chóng.
Tại Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức của một bệnh viện loại III, nhưng đã thực hiện được các loại phẫu thuật khó như cắt nang thận, túi mật, ruột thừa nội soi, phẫu thuật dãn tĩnh mạch chi dưới, cắt trĩ theo phương pháp Longo, cố định xương bằng nẹp Keirn, tái tạo bàng quang từ ruột non… Khoa Nhi với sự góp sức từ các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tạo niềm tin cho các bà mẹ trẻ, nhiều người đưa con mình đến đây thường xuyên kiểm tra sức khỏe và chữa bệnh.
Với việc được quan tâm đầu tư thiết bị y tế và trình độ chuyên môn, Bệnh viện Quận 2 ngày càng phục vụ nhân dân địa phương tốt hơn. Cuối năm 2012 bệnh viện đưa thêm Khoa Thận học vào hoạt động. Với năm máy lọc thận nhân tạo hiệu Surdial thế hệ mới nhất nhập từ Nhật Bản, bệnh viện đã giúp những bệnh nhân suy thận mãn ở quận 2 không còn phải chuyển viện xa nữa, mà chỉ cần gọi số điện thoại (08)37432672 để được tư vấn và chọn ngày, giờ lọc thận tại bệnh viện quận nhà, phù hợp với thời gian rảnh của bệnh nhân.
Không chỉ xem người bệnh làm trọng tâm, Bệnh viện Quận 2 còn tích cực chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cộng đồng. Các chương trình vận động người dân “Hưởng ứng ngày thế giới rửa tay bằng xà phòng 15 - 10”, “Phòng chống sốt xuất huyết”, “Làm gì khi bạn bị dãn tĩnh mạch chi dưới”… đã thiết thực giúp người bệnh và thân nhân, góp phần quyết định quan trọng trong tiến trình tham gia, phát hiện, chữa trị và phòng chống bệnh cấp và mãn tính.
TRẦN THỊ BÍCH ĐÀO
(Phường 15, quận 8, TPHCM)