Với vài dụng cụ thô sơ, các “dược sĩ” pha chế không bằng cấp đã cho ra lò hàng loạt loại thuốc chữa bệnh giả, nhái… Mới đây nhất, một vụ sản xuất thuốc giả quy mô lớn tại TPHCM bị phát hiện đã cho thấy sự hình thành cả một “công nghệ bào chế” hết sức tinh vi. Và đó cũng là hồi chuông báo động thêm một lần nữa tình trạng thuốc “dỏm” tràn lan trên thị trường.
Thuốc nội mang mác ngoại
Khi đồng loạt khám xét khẩn cấp hơn 10 địa điểm sản xuất, kho hàng của Huỳnh Văn Quang (Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Việt – Pháp, số 284/57 đường Lý Thường Kiệt, quận 10, TP HCM) vào cuối tháng 1-2010 vừa qua, cơ quan cảnh sát điều tra không khỏi bất ngờ khi phát hiện một lượng lớn các loại thuốc tây giả, cùng phương tiện sản xuất như máy ép vỉ thuốc, máy dập thời hạn sử dụng thuốc, máy sấy dùng sấy màng co vỉ thuốc, máy dập bao bì vỏ hộp, bao bì các loại dược phẩm, thuốc thành phẩm…
Theo cơ quan cảnh sát điều tra, “công nghệ” làm thuốc giả của Quang là cho người đến các trung tâm bán sỉ tân dược ở quận 10, 11… mua một số mặt hàng thuốc tây do các công ty, xí nghiệp trong nước sản xuất với số lượng lớn, đem về lột hết bao bì. Sau đó, mua bao bì giả mạo những hãng dược phẩm lớn của nước ngoài như Novartis, Roche (Thụy Sĩ), Gedeon Richter (Hungary), Janssen Cilag (Mỹ), Solvay (Hà Lan)… rồi dập, ép, đóng gói và tung ra thị trường.
Các mặt hàng do đường dây của Quang sản xuất gồm những loại thuốc tim mạch, huyết áp, thuốc bổ, kháng sinh như Vastarel, Nimuspas, Cephalexin, Fugacar… Nói chung trên thị trường có những loại dược phẩm ngoại nhập nào đang hút hàng, những “xưởng” sản xuất của Huỳnh Ngọc Quang sẽ cho ra hàng loạt thành phẩm đó với mẫu mã... y hệt.
Với vài dụng cụ thô sơ, các “dược sĩ” pha chế không bằng cấp đã cho ra lò hàng loạt loại thuốc chữa bệnh giả, nhái… Công nghệ làm thuốc của những đối tượng này hết sức tinh vi đến nỗi ngành chức năng cũng khó nhận ra. Khi cơ quan chức năng bất ngờ ập vào kiểm tra cơ sở khám chữa bệnh Bác Ái trên đường Hồng Bàng, quận 10 cách nay chưa lâu, nơi đây đang trữ gần 200kg thuốc chữa bệnh hình viên nhộng “dỏm” như thuốc thật.
Sau khi lấy mẫu kiểm nghiệm, ngành chức năng phát hiện phòng mạch này đã trộn bột sắn với hoạt chất corticoid- một loại thuốc điều trị kháng viêm - ép thành viên nhộng để điều trị cho hàng trăm bệnh nhân. Công nghệ làm thuốc này khá đơn giản, chỉ cần đặt các cơ sở sản xuất kẹo làm hình viên nhộng, sau đó pha chế bột sắn với các thành phần thuốc khác rồi đưa vào máy dập thủ công là ra… thuốc.
Hạn sử dụng 1 năm, kéo dài tới 3 năm
Không mấy khó khăn khi chỉ cần một cái máy dập là có thể kéo dài hạn sử dụng của hàng trăm loại thuốc đã hết “đát”. Công nghệ này xem ra “dễ ăn” hơn là phải đầu tư “dây chuyền” sản xuất thuốc giả khiến không ít kẻ hám lợi vận dụng.
Khi lực lượng Quản lý thị trường TPHCM ập vào kiểm tra kho của Công ty TNHH Dược phẩm Đông Phương (phường Bến Thành, quận 1) hồi đầu tháng 1-2010 vừa qua, phát hiện 2.000 thùng thuốc tây hết hạn sử dụng với đủ các nhãn hiệu Sioplex, Dardum, Onfran, Duonasa... Trên bao bì các loại thuốc đó ghi xuất xứ Ấn Độ, Hàn Quốc, Tây Ban Nha... với hạn sử dụng đã bị cạo sạch hoặc đã hết từ năm 2009, 2008.
Điều đáng nói, tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện công ty này đang tổ chức lột bỏ “đát” cũ đã hết hạn để dán lại “đát” mới có hạn sử dụng đến năm 2011. Một cán bộ quản lý thị trường ngán ngẩm: “Hạn sử dụng thuốc chỉ có một năm mà dán lại 3 năm thì còn gì là thuốc. Không khéo uống vào thêm đổ bệnh”.
Thông thường thời hạn sử dụng cao nhất của tân dược là 18 tháng, ngoại trừ các loại thuốc đặc trị với thời hạn từ 5-7 năm. Theo quy định, thuốc ngoại nhập trước khi nhập vào Việt Nam phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 12 tháng và đưa vào bệnh viện phải còn thời hạn trên 6 tháng. Tuy nhiên, vì hám lợi, nhiều cá nhân đã thu gom thuốc cận “đát”, hết “đát”, sau đó lột ra và in lại “đát” mới.
Công nghệ “sửa đát” tinh vi đến mức nhiều nhà thuốc không hề phát hiện ra và cứ thế bán cho bệnh nhân. Tuy rằng, nguồn thuốc chủ yếu của các nhà thuốc tư nhân lấy từ các đơn vị cung cấp nước ngoài và một số hãng thuốc tây trong nước, nhưng đôi khi họ cũng lấy thuốc từ các trình dược viên đến chào hàng tận nơi. Do vậy, khả năng phân biệt thuốc giả, thuốc thật, thuốc “lên đời”, “lên đát” rất khó. Thậm chí, một số trường hợp tuy biết thuốc hết “đát” nhưng vẫn cố tình thu mua và bán để trục lợi.
Theo Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, trong năm 2009 đã phát hiện không dưới 10 vụ sản xuất, kinh doanh thuốc giả, nhái, hết đát, không rõ nguồn gốc. Mà điển hình nhất là việc phát hiện nhiều loại thuốc cận đát, chưa rõ chứng từ nguồn gốc của Công ty cổ phần Dược phẩm Minh Phúc và Công ty TNHH-TM Dược phẩm Lan Khuê (Q3-TPHCM) hồi đầu tháng 1-2010 vừa qua.
Cơ quan thanh tra Sở Y tế TPHCM cũng phát hiện hàng chục nhà thuốc bán thuốc quá đát, nhãn mác bị cạo sửa, không chứng từ… trong năm 2009 vừa qua.
Theo Thanh tra Sở Y tế, những hãng dược phẩm càng có tên tuổi càng bị làm giả nhiều, như Sanofi – Aventis (Pháp), Roche (Thụy Sĩ)… do có sự chênh lệch giá rất lớn so với thuốc nội.
Theo một chuyên gia y tế, thống kê của Bộ Y tế cho biết bình quân mỗi năm một người dân nước ta bỏ ra 16,4 USD cho việc sử dụng thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, một phần không nhỏ trong số tiền này đã trở nên vô dụng, có hại cho sức khỏe vì họ đã mua phải thuốc “dỏm”.
TƯỜNG LÂM
- Thông tin liên quan:
Bát nháo thị trường dược phẩm
>> Bài 1: Thuốc trôi nổi... tung hoành