Bất ổn khó lường

Như vậy là hơn nửa thời gian của năm 2011 đã trôi qua với không ít biến động: Mỹ và châu Âu khốn đốn với nợ công; “Mùa xuân Arab” làm chao đảo chính trường các quốc gia Trung Đông; thiên tai khiến Nhật Bản phải thay thủ tướng; nạn đói hoành hành tại châu Phi… Một số chuyên gia hiện đã đưa ra nhận định về những biến động có thể xảy ra trong quãng đường còn lại của năm 2011. Xin được trích dẫn một bài viết được đăng trên tạp chí Foreign Policy (Mỹ) về 5 điều khó đoán định của thế giới trong thời gian tới.

Thứ nhất, kinh tế thế giới sẽ sụp đổ hay trì trệ? Chắc chắn không ít người vào lúc này đặt câu hỏi: liệu kinh tế thế giới có thể sụp đổ trên quy mô lớn? Có thể thấy, khủng hoảng kinh tế ngày nay như một “trào lưu” rộng khắp. Trong nửa năm 2011 còn lại, xu hướng kinh tế thế giới tiếp tục phát triển chậm chạp sẽ “thống trị” toàn cầu.

Thứ hai, chiến lược của Mỹ sẽ thay đổi kéo theo sự sụt giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ? Rất nhiều ý kiến cho rằng Mỹ sẽ điều chỉnh lại các cam kết và chiến lược, bao gồm cả việc chấm dứt các cam kết quân sự tại Iraq, Afghanistan; quay trở về chiến lược cân bằng ở nước ngoài (duy trì cân bằng sức mạnh tại nhiều khu vực khác nhau, can thiệp trực tiếp vào vùng Vịnh và gián tiếp vào châu Á).

Nói cách khác, chính phủ của Tổng thống Barack Obama đang tìm cách đẩy gánh nặng an ninh cho các đồng minh của họ trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ ảm đạm. Tuy nhiên, câu hỏi Mỹ có thay đổi chiến lược hay không rất khó trả lời.

Thứ ba, bong bóng kinh tế Trung Quốc sẽ vỡ? Đây là câu hỏi xuất hiện nhiều nhất trong gần một năm qua. Không có gì ngạc nhiên khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề môi trường kinh tế toàn cầu bất ổn.

Thứ tư, Liên minh châu Âu (EU) đồng thuận hay sụp đổ? 2011 có thể là năm mà EU phải đối mặt với nhiều thách thức nhất từ trước đến nay. Không ít các nhà phân tích đặt câu hỏi về sự sống còn của đồng euro và tương lai của EU khi các quốc gia thành viên không đạt được tiếng nói chung về vấn đề kinh tế.

Những người lạc quan thì cho rằng chính cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại sẽ là nhân tố thúc đẩy các quốc gia trong khối đoàn kết hơn, trong đó có việc lập ra các tổ chức tài chính có khả năng ngăn chặn những khó khăn đang hiện diện tại EU từ năm 2008. Các chuyên gia kinh tế đều có chung quan điểm rằng châu Âu tan vỡ là khó xảy ra nhưng EU sẽ còn nhiều việc phải làm để duy trì sự tồn tại trong một khối thống nhất.

Và cuối cùng, đó chính là tương lai của khu vực Trung Đông. Giải pháp hai nhà nước độc lập dành cho Palestine và Israel có thể thành hiện thực? “Mùa xuân Arab” có thể đem lại sự ổn định cho các quốc gia trong khu vực hay là cội nguồn nảy sinh các cuộc tranh giành quyền lực mới? Có thể nói, về ngắn hạn sẽ khó có sự khả quan cho khu vực này. Palestine và Israel còn quá nhiều bất đồng cản trở đi đến sự đồng thuận cuối cùng.

Trong khi đó, sự bất ổn tiếp tục đến từ Al-Qaeda và các phong trào yêu cầu cải cách tại nhiều quốc gia Arab và sẽ kéo theo ảnh hưởng không nhỏ đến thế giới trong thời gian tới. 

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục