Lao động làm thuê cho tàu cá cung không đủ cầu, ngành chức năng quản lý thiếu chặt chẽ… Những yếu tố đó khiến ngành nghề vốn là thế mạnh của một số địa phương ven biển ĐBSCL phát sinh nhiều bất ổn, cần giải pháp gắn kết lao động nghề biển.
Khi ngư phủ... giựt nợ
Mới mờ sáng, ông Tư Biểu (Nguyễn Tấn Biểu, chủ 15 tàu cá ở khóm 2, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) nhờ người chạy kiếm ngư phủ khắp chợ. Dò hỏi một số tiểu thương, hàng quán quen ở Sông Đốc mới biết, Hải cùng 5 bạn tàu khác nhậu say rồi hè nhau bỏ trốn từ tối hôm trước.
Ông Tư Biểu phải cho một tàu cá nằm bờ do thiếu ngư phủ ra khơi. Sự việc xảy ra hơn 4 tháng trước - hôm đó là ngày gần “cuối con trăng”. Như thường lệ, sau khi bán sản phẩm, nạp đầy nhiên liệu, nước đá cùng những nhu yếu phẩm khác đủ cho chuyến đánh bắt dài ngày, ông Tư Biểu cho dàn ngư phủ xả hơi mấy bữa. Hải là một trong số ngư phủ làm công cho nhà ông Tư Biểu đã lâu.
Cận ngày tàu khởi hành, ông Tư Biểu còn thiếu 6 ngư phủ, nhờ Hải tìm giúp. Hải dẫn tới 5 thanh niên khỏe mạnh nói đồng ý theo ghe. “5 người này nhờ Hải bảo lãnh, tạm ứng tổng cộng của tôi 18,5 triệu đồng, nói là để tiền lại cho vợ con sinh sống lúc xa bờ. Nào ngờ người và tiền một đi không trở lại” – bà Trần Thị Dung, vợ ông Tư Biểu, giọng buồn buồn thuật lại.
Ngoài công việc gia đình, bà Dung phụ chồng việc quản lý và tìm kiếm lao động cho ghe nhà. Sau lần bị Hải gạt, bà Dung có thêm kinh nghiệm “xương máu”. Con nước sau ghe vô, ngư phủ về quê thăm nhà nhưng cận ngày ra khơi có 2 người báo không đi do hoàn cảnh gia đình.
Bà Dung tất tả nhờ người quen tìm để bù vào khoảng trống đó. Trong lúc đó có 2 người đàn ông tự xưng là cha con, người lớn tuổi tên Sửu, nhà ở cầu Bạch Ngưu (xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, Cà Mau) đến hỏi bà Dung xin theo ghe. “Tôi mừng ra mặt vì khỏi mất công tìm nữa” - bà Dung kể lại.
Sau bữa cơm sáng, ông Sửu than khổ vì nhà đơn chiếc, vợ ở nhà đau chân không có tiền thuốc thang và xin ứng trước 6,5 triệu đồng tiền công rồi kêu thằng con mang về quê nhờ người thân chở mẹ đi chữa chân, dặn kỹ hừng sáng phải lên sớm để kịp theo ghe ra khơi. Thằng con đi được hơn 3 tiếng, xế chiều ông Sửu nói đau bụng rồi tẩu mất luôn.
“Nhìn cha con ông Sửu đen xạm, da thịt săn chắc tôi tưởng nông dân hiền lành, chất phác ai dè bị lầm” - bà Dung buồn bã kể lại.
Vợ chồng ông Tư Biểu lần giở sổ sách ghi lại trong 5 năm gần đây chuyện mượn tiền và ăn chia với người làm công cho tàu nhà mình. Chúng tôi ngạc nhiên khi số tiền ngư phủ mượn nợ bỏ trốn năm nào cũng trên cả trăm triệu đồng. Số tiền ấy đến nay gia đình bà Dung chưa lấy lại được đồng nào.
Hiện tại bà Dung còn giữ lại trên 30 giấy CMND cùng hàng chục giấy CMND phô tô, giấy viết tay mượn nợ… của ngư phủ bỏ trốn để lại, người ít nhất vài trăm ngàn, nhiều nhất vài chục triệu đồng.
Ông Nguyễn Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, cho biết: “Tình trạng ngư phủ hứa đi ghe để mượn tiền rồi giựt tiền của chủ tàu xảy ra khá phổ biến, đặc biệt là 3 năm gần đây. Nguyên nhân chính là do thiếu nguồn lao động. Trong khi đó, những ràng buộc về mặt pháp lý giữa người mượn và người cho mượn tiền quá đơn giản.
Sông Đốc là cửa biển lớn nhất ở Cà Mau, tập trung trên 1.300 tàu cá (chưa tính tàu nơi khác đến), trong đó có khoảng 70% tàu khai thác xa bờ. Với lượng tàu trên cần khoảng 15.000 ngư phủ. Trong khi đó, toàn thị trấn có khoảng 8.000 hộ (gần 40% hộ tạm trú) với trên 35.000 nhân khẩu, trong đó nam giới làm công cho tàu cá trong độ tuổi lao động chưa tới 10.000 người. Sự chênh lệch lớn giữ cung-cầu trong lao động nghề biển khiến ngành nghề này đang thiếu lao động trầm trọng. Thực trạng ấy đã và đang phổ biến tại một số cửa biển khác ở ĐBSCL”.
Gắn kết lao động biển
So với người làm công ở đất liền, làm công cho tàu cá cực và nguy hiểm. Ngư phủ chấp nhận xa gia đình, vợ con… để lênh đênh cả tháng trời trên biển, đối mặt muôn vàn hiểm nguy do thời tiết, thiên tai nhưng họ ít được quan tâm.
Anh Bùi Văn Toàn, một ngư phủ ở Sông Đốc, tâm sự: “Cùng là người làm công nhưng công nhân công ty này, công ty nọ có hợp đồng lao động, được mua bảo hiểm đủ thứ, khi bị ức hiếp còn có tổ chức công đoàn bảo vệ quyền lợi. Còn ngư phủ như chúng tôi nếu tàu làm ăn thua lỗ thì không có tiền nuôi vợ, nuôi con; nhiều khi gặp bão chìm tàu, chết chóc. Khi ấy, gia đình, người thân gánh lấy hậu quả, chủ tàu thương thì cho tiền chôn cất. Nghề cực mà bạc bẽo”.
Cùng suy nghĩ ấy, ngư phủ Huỳnh Văn Thắng cho biết: “Mấy bác nông dân trong đất liền đi tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi được hỗ trợ tiền cơm, tiền đi đứng, nước nôi; còn mỗi tháng tụi này đi biển 20 ngày, chấp nhận phương án bỏ chuyện gia đình để đi học lớp đào tạo thuyền viên nhưng phải bỏ tiền túi. Hai năm gần đây học phí được Nhà nước hỗ trợ nhưng tiền ăn, đi đứng tự lo. Nếu gặp chuyến biển thất, không có tiền cho vợ con mua gạo thì tiền đâu đi học”.
Qua trao đổi với một số đơn vị chức năng, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến về việc chấn chỉnh, quản lý tốt lao động làm công cho tàu cá. Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, cho rằng: Ngư phủ phải được tập hợp thành một nghiệp đoàn, được đào tạo, cấp thẻ hành nghề miễn phí. Lao động trong nghiệp đoàn này phải có một đơn vị, tổ chức chuyên trách quản lý. Đơn vị quản lý lao động chịu trách nhiệm chiêu mộ người, sau cung ứng cho chủ tàu cần lao động theo hợp đồng, có sự thỏa thuận, ràng buộc về trách nhiệm, quyền lợi các bên. Làm như vậy, ngư phủ sẽ có lương cơ bản, lương ăn chia sản phẩm sau mỗi chuyến biển, có bảo hiểm… Đồng thời việc quản lý tạm vắng tạm trú, an ninh trật tự cũng được ổn định hơn.
Đồng tình với cách thức vừa nêu nhưng ông Đỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cà Mau, đề xuất thêm: Nhất thiết phải xây dựng được một trường hoặc một trung tâm đào tạo nghề, đào tạo các chức danh trên tàu cá cho ngư dân đặt tại địa phương. “Ngân sách sẽ hỗ trợ người học, đồng thời tạo việc làm ổn định cho họ thông qua hợp đồng lao động. Nếu không làm được đại trà có thể thí điểm trước tại một cửa biển trọng điểm nào đó, rút tỉa kinh nghiệm rồi dần hoàn thiện. Nông dân muốn trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả mình còn mang khoa học kỹ thuật đến tận nơi hướng dẫn, hỗ trợ vay vốn sản xuất; còn ngư phủ muốn quản lý tốt thì phải hỗ trợ trang bị họ cái nghề, lo cuộc sống cho họ thì họ mới yên tâm bám biển, yêu biển”, ông Sĩ nói.
Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, việc đào tạo lao động nghề biển sẽ giúp ngư dân kỹ năng lái tàu, tìm hiểu ngư trường khai thác, cách khắc phục, sửa chữa máy tàu khi gặp sự cố; các quy định của pháp luật khi tham gia hoạt động khai thác trên biển như đăng ký, đăng kiểm, mua bảo hiểm cho thuyền viên, quy định hàng hải… Mục tiêu chung nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khai thác thủy sản; giúp ngư dân nắm vững các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trong quá trình hoạt động. Có như vậy, nghề biển mới ổn định.
| |
Xuân Hạ