Trước nhiều lo ngại về an toàn thực phẩm tại các chợ, một số tiểu thương chợ đầu mối tại TPHCM đã chủ động kiểm soát nguồn hàng bằng cách kiểm tra chất lượng tại nguồn, bằng cách liên kết các nông hộ sẵn sàng đầu tư con giống, phân bón, kỹ sư nông nghiệp… cho bà con; đồng thời bao tiêu toàn bộ đầu ra. Đổi lại, nông dân sản xuất phải chấp nhận việc giám sát, quy trình sản xuất đảm bảo an toàn.
“Siết” nông hộ
Tiên phong trong số này là tiểu thương Võ Thị Chất, chủ sạp E7-E9, chuyên doanh rau củ quả, bầu bí, khổ qua (mướp đắng)… tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn. Gần 10 năm qua, việc kiểm soát chặt chẽ hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật các loại trên rau củ đã giúp bạn hàng yên tâm. Mỗi ngày đêm, hàng đổ về sạp khoảng 8 - 10 tấn. Sau đó, hàng sẽ được chia nhỏ bán cho nhu cầu của người mua; nhưng phần lớn là các chợ truyền thống, chợ lẻ, nhà hàng… Hiện các vùng chuyên canh rau củ được bà Chất đầu tư (hạt giống, phân bón, giàn) tập trung ở một số địa bàn như huyện Củ Chi, TPHCM; huyện Trảng Bàng, Tây Ninh; một số huyện thuộc tỉnh Long An.
Câu hỏi đặt ra là làm sao có thể kiểm soát được các điểm trồng cấy trải dài này, trong khi tiểu thương không thể có mặt liên tục? Bà Võ Thị Chất chia sẻ, bà có đưa thêm người kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất theo thời gian gieo trồng các loại rau quả. Chẳng hạn, qua trao đổi với nông dân, tháng 7 tới, hộ A sẽ trồng khổ qua, bầu bí…; hộ B trồng dưa leo. Trên cơ sở này, người nhà của tiểu thương sẽ căn cứ thời gian gieo trồng, tính toán thời gian ra trái, chuẩn bị thu hoạch để tới kiểm tra, giám sát cho thuận tiện. Ví dụ, đối với khổ qua, sau gieo hạt từ 36 - 38 ngày thì bắt đầu thu hoạch; cách 1 ngày thu hoạch một lần, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 2 tháng. Như vậy, người nhà tiểu thương sẽ nhắc nhở nông dân lưu ý về việc phun thuốc trừ sâu bệnh, gồm bệnh nhện đỏ, sâu xanh da láng, bệnh đốm lá… sao cho phù hợp; tránh việc phun hôm trước hôm sau thu hoạch; gây nguy hiểm cho sức khỏe, an toàn của người dùng.
“Không dừng lại ở việc nhắc nhở, chúng tôi còn kiểm tra sau thu hoạch bằng cảm quan, bằng thử nhanh, kiểm tra định lượng thông qua các đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất của chợ đầu mối. Cơ sở sản xuất nào vi phạm, chúng tôi sẽ lưu tên họ. Nếu vi phạm tới lần thứ ba, chúng tôi sẽ ngưng đầu tư, hợp tác. Đã có vài nông hộ vi phạm và chúng tôi kiên quyết không đầu tư, bao tiêu sản phẩm của họ nữa”, bà Võ Thị Chất khẳng định. Được biết, để có kinh nghiệm nhìn sơ bằng mắt cũng có thể phát hiện rau củ không an toàn, bà Chất đã được “rèn” vài chục năm trời tại một công ty chuyên doanh rau quả có tiếng của TPHCM, với cương vị phụ trách cung ứng vật tư lương thực.
Người dân đang mua rau quả các loại tại chợ đầu mối Hóc Môn
Tiên phong “mở đường”
Để đảm bảo nguồn cung thủy hải sản an toàn, gần 10 năm qua, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TPHCM đã kết hợp với chợ đầu mối Bình Điền xây dựng chương trình quản lý chất lượng, bằng cách tới các tỉnh, các làng cá vùng biển để tập huấn cho người dân, chủ tàu đánh bắt về biện pháp nuôi trồng, bảo quản thủy hải sản; cảnh báo người nuôi không đem các loại thủy sản kém chất lượng, bị bệnh… về bán tại chợ Bình Điền. Nếu phát hiện, cơ sở cung cấp hàng vi phạm sẽ bị lưu vào “sổ đen”, không cho vào chợ. Công tác này đã được thực hiện đều đặn từ năm 2006 tới nay bằng kinh phí của TPHCM. Suốt quá trình tập huấn tại các tỉnh, đoàn công tác của TPHCM đều thống kê, theo dõi, phân vùng để biết được địa phương nào làm tốt; địa phương nào, cơ sở nào chưa thực hiện tốt.
Theo ông Trần Văn Sơn, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TPHCM: “Thay vì ngồi một chỗ để quản lý chất lượng thủy sản đổ về TPHCM, thì chúng tôi sẽ trực tiếp xuống các tỉnh để hỗ trợ người dân về kỹ thuật, về lĩnh vực an toàn… Nghĩa là quản lý tận gốc, sẽ tốt hơn nhiều. Thực tế, có khoảng 80% lượng thủy hải sản cung cấp cho TPHCM đến từ các tỉnh; còn thủy hải sản nuôi tại TPHCM không nhiều, chưa tới 20%. Do vậy, nếu chỉ kiểm tra, giám sát tại TP thì không đủ và cũng rất khó để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Chia sẻ về việc kiểm tra chất lượng rau củ tại nguồn, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, nói: “Chúng tôi rất tâm đắc với mô hình này. Bởi hiện nay, lượng hàng rau củ quả các loại đổ về chợ mỗi đêm đều phụ thuộc vào bà con nông dân sản xuất từ các tỉnh. Chợ đầu mối Hóc Môn thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Chi cục Bảo vệ thực vật TPHCM kiểm tra nhanh rau quả, điều chỉnh ngay tại nơi sản xuất, nên đã góp phần tích cực, hạn chế tới mức thấp nhất hàng nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu… trà trộn bán tại chợ. Đáng chú ý, mô hình giám sát chất lượng rau, củ, quả ngay tại nơi sản xuất của một số tiểu thương như bà Võ Thị Chất (sạp E7-E9), ông Bùi Thanh Vân (sạp D24)… đã và đang góp phần đẩy mạnh việc cung ứng thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Theo tôi, mô hình như thế này nên nhân rộng cả về số lượng và chất lượng”.
THI HỒNG