Bất thường và bình thường

Vừa qua dư luận bàn tán nhiều về một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị trước khi nghỉ hưu đã bổ nhiệm một loạt cán bộ ở “phút 89”. Việc bổ nhiệm nhiều hay ít, đúng hay sai đang được các cơ quan chức năng làm rõ, song việc làm bất thường trên khó tránh khỏi những thắc mắc, nghi ngờ của công chúng, nhất là khi Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng đã nhận định “một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực”. Hậu quả để lại là làm “ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước”. Vậy nên nhìn nhận sự việc này như thế nào?

Hiện nay, các cấp ủy địa phương, đơn vị đang điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ trong diện quy hoạch nhiệm kỳ 2015 - 2020 để giúp cho cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, làm quen với công việc mới, môi trường thử thách mới, tiếp cận dần với chức danh dự kiến cấp ủy mới và từ đó tạo uy tín cá nhân. Các cấp ủy cũng xem đây là một kênh rà soát, đánh giá trình độ, khả năng tổ chức của từng cán bộ, từ đó có thể điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Đây cũng là thời điểm nhiều đồng chí còn đủ tuổi 3 năm của khóa trước, nay lần lượt đến tuổi nghỉ hưu, nên cấp ủy cũng lần lượt bố trí cán bộ khác thay thế.

Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, đơn vị đang tiến hành tinh giảm biên chế, sắp xếp lại bộ máy nhân sự tinh gọn để đáp ứng tình hình mới. Sự trùng hợp trên vào cùng một thời điểm cũng dễ làm cho nhiều người ngộ nhận về “phút 89”. Do vậy vấn đề không hẳn bổ nhiệm nhiều hay ít là đúng hay sai, mà điều quan trọng là nơi đó có làm đúng quy hoạch, quy trình, tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc và các bước trong công tác cán bộ hay không. Nếu làm đúng, làm đủ tất cả các khâu trước khi bổ nhiệm cán bộ thì đó là chuyện bình thường. Vấn đề dư luận bàn tán là sau những vụ tham nhũng lớn, nhất là 10 vụ “đại án tham nhũng” liên quan đến bổ nhiệm cán bộ mà điển hình là Dương Chí Dũng (cựu Chủ tịch Vinalines) thì người dân cảm thấy nghi ngờ và cho rằng còn nhiều lỗ hổng trong công tác cán bộ.

Thực tế cũng cho thấy, việc bổ nhiệm cán bộ ở nhiều nơi còn tình trạng chắp vá, hoặc có biểu hiện dễ dãi, cảm tính, nặng về cơ cấu mà chưa căn cứ thực lực của cán bộ. Việc bổ nhiệm cán bộ theo kiểu “tay ngang” vẫn xảy ra ở không ít đơn vị, với quan điểm: đã là cán bộ trong diện quy hoạch, cơ cấu cấp ủy thì “việc gì mà chẳng làm được” nên bổ nhiệm mà chưa tính đến chuyên môn, tiêu chuẩn nghiệp vụ! Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng ở các tỉnh phía Nam, nhiều đại biểu thẳng thắn nêu tình trạng “lợi ích nhóm” trong công tác cán bộ. Chẳng hạn có tình trạng bổ nhiệm cán bộ này để “kiểm soát” cán bộ kia; bổ nhiệm cán bộ ở 2 đơn vị khác nhau nhưng nhằm mục đích “hỗ trợ” cho nhau, thậm chí là “che chắn” cho nhau khi có sai phạm; đưa người của mình “cài cắm” ở những nơi có quyền lợi của mình tại đó; bổ nhiệm cán bộ theo kiểu “giải quyết chính sách” cho số người thân quen chưa đến tuổi nghỉ hưu, năng lực kém sang đơn vị khác; bổ nhiệm người có công “phục vụ mình” khi còn đương chức; điều chuyển cán bộ có dư luận sang đơn vị mới mà thực chất nhằm giải quyết êm thấm những chuyện lình xình ở đơn vị cũ…

Cách làm kiểu này là hạ sách trong công tác cán bộ, bởi từ đây, tệ nạn nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng có điều kiện và cơ hội phát sinh, phát tán. Chúng ta có nhiều giải pháp phòng chống tham nhũng, nhưng phòng ngừa cơ bản nhất, chủ yếu nhất vẫn là vấn đề cán bộ và công tác cán bộ. Nói về công tác cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có lần nhấn mạnh: Nếu xem công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt trong chiến lược phát triển của đất nước thì công tác cán bộ là nhiệm vụ then chốt của then chốt.

Cuối năm nay, công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 bắt đầu chuyển động. Yêu cầu đặt ra và cũng là đòi hỏi bức thiết từ phía người dân là làm sao công tác chuẩn bị nhân sự sắp tới của các cấp ủy phải thật sự chu đáo, công tâm, công khai và khách quan, dân chủ; tạo điều kiện cán bộ, đảng viên và nhân dân giám sát năng lực, phẩm chất của cán bộ, góp phần ngăn ngừa những sai phạm, tiêu cực trong công tác cán bộ. Việc lựa chọn đúng người có tâm, có tầm, có tài và có đủ tiêu chuẩn phẩm chất chính trị để bố trí công việc tương xứng sẽ phát huy được năng lực, sở trường của từng người. Qua đó, góp phần phòng chống tiêu cực, tham nhũng ngay từ công tác cán bộ, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.

TUẤN SƠN

Tin cùng chuyên mục