Bầu cử Ai Cập: Nền dân chủ được sắp đặt

Làn sóng biểu tình nhắm vào chính quyền quân sự
Bầu cử Ai Cập: Nền dân chủ được sắp đặt

Hôm nay 28-11, Ai Cập bước vào cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau cuộc cách mạng “Mùa xuân Ảrập” dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Tổng thống Hosni Mubarak. Tuy nhiên, một ngày trước thời điểm diễn ra sự kiện chính trị trọng đại này, làn sóng biểu tình và xung đột giữa những người ủng hộ các phe phái, chính trị không ngừng gia tăng tại nhiều thành phố lớn ở Ai Cập.

Bức tường bê tông chặn đường đến Quảng trường Tahrir và Bộ Nội vụ ở thủ đô Cairo với dòng chữ “Dân chủ đang đến”.

Bức tường bê tông chặn đường đến Quảng trường Tahrir và Bộ Nội vụ ở thủ đô Cairo với dòng chữ “Dân chủ đang đến”.

Làn sóng biểu tình nhắm vào chính quyền quân sự

Ngày 27-11, với sự tham gia của khoảng 1 triệu người, Liên minh Thanh niên cách mạng (RYC) đã tiến hành một cuộc tuần hành quy mô lớn để yêu cầu chính quyền quân sự từ bỏ quyền lực, trao lại chính quyền cho một chính phủ dân sự.

Những người biểu tình một lần nữa đã chiếm Quảng trường Tahrir, nơi mà trước đó họ đã tụ tập để yêu cầu Tổng thống Mubarak phải từ chức. Nhưng lần này, mục tiêu của họ là các nhà lãnh đạo quân sự, những người đã lấp khoảng trống quyền lực ở Ai Cập sau khi ông Mubarak ra đi.

Người biểu tình đã chặn lối vào trụ sở Quốc hội phản đối việc Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang (CSFA) chỉ định ông El Ganzouri, 78 tuổi, làm thủ tướng tạm quyền. Họ cũng yêu cầu truy tố những người đã gây ra thương vong trong các vụ đụng độ với lực lượng an ninh những ngày qua, khiến 42 người thiệt mạng trên cả nước.

Đảng nào sẽ chiến thắng?

Thông tin về việc bổ nhiệm ông Ganzouri, người đứng đầu Chính phủ Ai Cập từ năm 1996 đến 1999 dưới thời ông Hosni Mubarak, đã không được những người biểu tình hoan nghênh vì đây là lần thứ 2 họ phụ thuộc vào “người canh gác cũ của chế độ Mubarak”.

Tuy nhiên, với 2 ứng cử viên tổng thống tiềm tàng hiện nay là cựu Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Mohamed El-Baradei và ông Amr Moussa, cựu Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL), cũng không thể giúp xoa dịu nỗi lo của người dân Ai Cập.

Ngày 26-11, ông El-Baradei tuyên bố sẵn sàng từ bỏ nỗ lực tranh cử tổng thống và sẽ đứng ra thành lập chính phủ mới nếu được yêu cầu. Ông tuyên bố sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu của các lực lượng chính trị, thanh niên cách mạng và chịu trách nhiệm thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc đại diện cho tất cả các lực lượng trong nước.

Theo ông, điều đó chỉ có thể đạt được với điều kiện chính phủ mới có mọi đặc quyền để điều hành trong giai đoạn chuyển tiếp, tái lập an ninh, khôi phục kinh tế và thực hiện những mục tiêu của cuộc cách mạng Ai Cập.

Giới quan sát nhận định, kết quả của cuộc bầu cử rất khó dự đoán được kết quả chính xác. Khả năng lực lượng Anh em Hồi giáo sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử là rất lớn, nhưng không phải là chiến thắng tuyệt đối. Do không có được đa số tại Quốc hội, tổ chức Anh em Hồi giáo buộc phải có những thỏa hiệp và liên minh để thành lập chính phủ.

Vai trò của Mỹ 

Trước đó, các nguồn tin Ảrập nhận xét rằng không phải ngẫu nhiên Mỹ, tổ chức Anh em Hồi giáo Ai Cập và chính quyền quân sự đều ủng hộ mục tiêu chung tại Ai Cập. Báo “Al-Diyar” của Lebanon cho biết, sau nhiều năm đàm phán không mang lại kết quả, gần đây, các cuộc gặp bí mật diễn ra giữa Mỹ và Anh em Hồi giáo suốt 4 năm qua mới đạt được thỏa thuận.

Theo đó, Anh em Hồi giáo tiếp quản quyền lực tại các nước Ảrập với điều kiện lực lượng này sẽ chống Al-Qaeda. Tại Ai Cập, chính quyền quân sự sẽ cố thay đổi luật chơi để dẫn tới sự tồn tại của hai trung tâm quyền lực là cơ quan lập pháp và hành pháp. Sau cuộc bầu cử Quốc hội, Anh em Hồi giáo sẽ nắm quyền lập pháp thông qua đảng Tự do và Công lý, trong khi quyền tổng thống sẽ nằm trong tay chính quyền quân sự và người đứng đầu chính quyền là tướng Hussein Tantawi.

Cán cân quyền lực trong các cuộc tổng tuyển cử, hậu bầu cử Quốc hội sẽ dẫn đến một thỏa thuận chung giữa Anh em Hồi giáo và chính quyền quân sự Ai Cập. Dựa trên thỏa thuận này, Ai Cập sẽ trở thành trung tâm kiểm soát của Mỹ đối với lực lượng Hồi giáo ở Bắc Phi và khu vực Trung Đông.

Theo giới quan sát, “Mùa xuân Ảrập” đã buộc Mỹ phải chấp nhận phong trào Anh em Hồi giáo là lực lượng chính trị mạnh nhất tại Ai Cập và khu vực Trung Đông.

Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục