Bầu cử để thoát khủng bố

Ủy ban bầu cử Libya cho biết, tính đến nay tổng số cử tri đăng ký đi bỏ phiếu lên tới gần 2 triệu người trong tổng số hơn 6 triệu dân của Libya.
Một trụ sở của Ủy ban bầu cử Libya tại Tripoli sau vụ tấn công của những kẻ đánh bom tự sát. Ảnh: THX
Một trụ sở của Ủy ban bầu cử Libya tại Tripoli sau vụ tấn công của những kẻ đánh bom tự sát. Ảnh: THX
Bộ trưởng Quốc phòng, thành viên Hội đồng Tổng thống Libya, ông Mahdi Barghathi, ngày 6-5 trả lời phỏng vấn của tờ Asharq Al-Awsat, có trụ sở ở London, cảnh báo tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lợi dụng sự thiếu vắng cơ quan nhà nước và quân đội ở miền Nam nước này để mở rộng phạm vi hoạt động và kêu gọi các lực lượng chính trị và quân đội tại Libya nhanh chóng tiến hành bầu cử tổng thống nhằm tránh bị khủng bố hoành hành hoặc các thế lực bên ngoài can thiệp. 
Libya rơi vào bất ổn sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moammar Gaddafi hồi năm 2011. Quốc gia này bị chia rẽ thành 2 chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) có trụ sở tại Tripoli do Thủ tướng Fayez al-Sarraj lãnh đạo và một chính quyền đối lập do tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn đóng tại miền Đông.
Hồi cuối tháng 3 vừa qua, 107 thị trưởng và người đứng đầu các địa phương ở Libya đã đề nghị quốc hội miền Đông của tướng Haftar và Hội đồng Nhà nước cấp cao của GNA hòa giải để thành lập một chính phủ thống nhất quốc gia hoặc trao quyền cho Hội đồng Tư pháp tối cao. Các thị trưởng đã thành lập một nhóm làm việc để giám sát trực tiếp tiến trình đối thoại giữa 2 bên dưới sự bảo trợ của LHQ để tiến tới thành lập chính phủ thống nhất quốc gia và hợp nhất các cơ quan.
Nếu các bên liên quan không đạt được sự đồng thuận, Hội đồng Tư pháp tối cao sẽ đứng ra thực hiện “nhiệm vụ lịch sử” là nắm quyền lực và thành lập một chính phủ điều hành lâm thời đất nước, có nhiệm kỳ không quá 1 năm.
Theo truyền thông khu vực Bắc Phi, cựu Đại sứ Libya tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), ông Aref Ali Al-Nayed, đã chính thức thông báo ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống của nước này. Ông Al-Nayed, sinh năm 1962, là một trong những học giả chuyên ngành triết học Hồi giáo. Sau các sự kiện mùa xuân Arab tại Libya năm 2011, ông Al-Nayed đã gia nhập các lực lượng đối lập và hoạt động như một nhà điều phối của nhóm Ổn định Libya trước khi được Hội đồng chuyển tiếp dân tộc Libya bổ nhiệm làm Đại sứ Libya tại UAE đến năm 2016. Ông cũng là một trong những ứng cử viên cho chức thủ tướng Libya sau cuộc chính biến năm 2011.
Một ứng viên tổng thống khác cũng được đánh giá là đối thủ đáng gờm của ông Al-Nayed là Seif Al-Islam Al-Qaddafi, người con trai thứ hai của Moammar Al-Qaddafi. Seif Al-Islam Al-Qaddafi tốt nghiệp Đại học Tripoli (1994), tiến sĩ quản trị kinh doanh tại IMADEC Vienna (2000), khóa đào tạo kinh tế - chính trị học tại London (2008). Seif Al-Islam mang tư tưởng cải cách, hiểu những gì cha ông đã làm được và chưa làm được, đồng thời biết mình cần phải làm gì để đưa Libya tiến lên. 
Trong khi đó, Ủy ban bầu cử Libya cho biết, tính đến nay tổng số cử tri đăng ký đi bỏ phiếu lên tới gần 2 triệu người trong tổng số hơn 6 triệu dân của Libya. Con số này cao hơn nhiều so với 630.000 cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 2014. Giới phân tích khu vực cho rằng việc tổ chức các cuộc bầu cử là thách thức lớn ở Libya vì họ cần phải thông qua luật bầu cử mới và tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về bản hiến pháp mới trước khi tổ chức các cuộc bầu cử.

Tin cùng chuyên mục