Cử tri Nhật Bản ngày 14-12 đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Hạ viện trước thời hạn. Theo Kyodo, kết quả thăm dò cử tri sau khi bỏ phiếu, liên minh LDP-Komeito đạt 306 - 341 ghế trong tổng số 475 ghế tại Hạ viện, cao hơn 266 ghế tối thiểu cần thiết để chiếm đa số.
Phát biểu trên Đài truyền hình TBS sau các cuộc thăm dò, Thủ tướng Abe cho biết, kết quả cho thấy sự tự tin của cử tri trong 2 năm điều hành chính phủ của ông.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tự tin trước chiến thắng của LDP.
Mang tính chất quyết định
Trước khi Hạ viện bị giải tán vào ngày 21-11, liên minh cầm quyền chiếm 326 ghế trong tổng số 475 ghế tại Hạ viện, trong đó LDP có 295 ghế và Komeito có 31 ghế. Cuộc bầu cử lần này tổng cộng có 1.191 ứng cử viên tranh cử 475 ghế. Báo Japan Times dẫn kết quả các cuộc thăm dò cử tri cho thấy, chiến thắng chắc chắn của liên minh LDP-Komeito mang lại quyền kiểm soát cả hai viện của Quốc hội Nhật Bản (Thượng viện cũng do liên minh này chiếm đa số). Một chiến thắng LDP sẽ cho phép Thủ tướng Abe tiếp tục chính sách kinh tế Abenomics với nội dung chính là sự kết hợp của chính sách nới lỏng tiền tệ tích cực, kích thích tài chính và chiến lược phát triển theo định hướng cải cách doanh nghiệp. Chính sách này nhằm đưa nền kinh tế thứ ba thế giới thoát khỏi vũng lầy giảm phát.
Tuy nhiên, nội các của Thủ tướng Abe cũng phải đối mặt với nhiều thử thách khác, trong đó có áp lực của 48 doanh nghiệp buộc khởi động các nhà máy điện hạt nhân vốn bị đình chỉ hoạt động sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011. Tuy nhiên, LDP thừa nhận rằng người nông dân Nhật Bản, lực lượng ủng hộ lớn của đảng này vẫn chưa nhận được lợi ích từ Abenomics và do đó, LDP đã cam kết sẽ chú trọng nhiều hơn đến lực lượng này sau cuộc bầu cử. Các đảng đối lập đã nhắm vào các nhược điểm của chính sách Abenomics mà theo họ là đã làm nới rộng khoảng cách giàu nghèo. Ngoài ra, nó làm đồng yên sụt giảm làm tăng chi phí năng lượng và hàng hóa nhập khẩu, gây tổn thương cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ gia đình. Kế hoạch bãi bỏ quy định thị trường lao động giúp người lao động dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các khu vực tăng trưởng cao, giới chủ dễ dàng sa thải nhân viên, cải cách lĩnh vực nông nghiệp được bảo hộ cao… đều là những con dao hai lưỡi.
Trung Quốc quan sát kỹ
Một trong những thách thức của Thủ tướng Abe sắp tới nằm ở chính sách đối ngoại. Kế hoạch diễn giải lại Hiến pháp cho phép Nhật Bản tham gia vào hoạt động tự vệ tập thể cũng là vấn đề còn gây chia rẽ trong cử tri và có thể gây khó khăn trong quan hệ giữa Nhật Bản với các nước láng giềng có mối quan hệ lịch sử phức tạp. Nếu việc sửa đổi Hiến pháp được chấp thuận, sẽ đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong quan điểm quân sự của Nhật Bản kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai.
Theo báo South China Morning Post (SCMP), Trung Quốc sẽ thận trọng xem xét các bước đi của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sau cuộc tổng tuyển cử và quyết định xem Bắc Kinh có nối lại quan hệ cấp cao với Tokyo hay không. Mối quan hệ giữa hai nước láng giềng gia tăng căng thẳng trong hai năm qua xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Căng thẳng chỉ tạm thời lắng xuống sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Thủ tướng Shinzo Abe tại Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11 ở Bắc Kinh. Mặc dù hai bên đã nhất trí nối lại đàm phán về các vấn đề chính trị, ngoại giao và an ninh để ngăn chặn leo thang căng thẳng. Ngoài ra, hai bên còn thiết lập cơ chế quản lý khủng hoảng để tránh xung đột trong vùng biển tranh chấp nhưng cơ hội cải thiện quan hệ trong tương lai gần vẫn còn khá mong manh.
Các nhà quan sát tại Trung Quốc lo ngại rằng một chiến thắng lớn của ông Abe sẽ khuyến khích ông tiếp tục mục tiêu cứng rắn về ngoại giao, đặc biệt là chính sách với Trung Quốc trong 4 năm tới. Chuyến thăm của ông Abe tới đền Yasukuni vào cuối năm 2013 đã khiến Bắc Kinh giận dữ. Theo một cuộc khảo sát mới nhất do tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản Genron NPO tiến hành, 93% người Nhật Bản được hỏi không có ấn tượng tốt đẹp về Trung Quốc. Nhưng hơn 70% đồng ý rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản là quan trọng. Gần 50% số người được hỏi cho biết chính sách ngoại giao của Nhật Bản đã “không được tiến hành một cách hiệu quả”.
THỤY VŨ