Chặng khởi động cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2012 đang dần nóng lên với bầu cử sơ bộ ở bang New Hampshire. Điều mà người Mỹ cần lúc này là cuộc bầu cử chân thật, không phải chỉ là những lời hứa hão.
Phép thử ở bang New Hampshire
Ngày 10-1, bầu cử sơ bộ cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra tại bang New Hampshire ở miền Đông Bắc. Cuộc thăm dò dư luận của Trường Đại học Suffolk và Đài Truyền hình số 7 công bố cuối tuần trước cho thấy, 40% số cử tri được hỏi sẽ bầu cho ông Mitt Romney, cựu Thống đốc bang Massachusetts, ứng cử viên của đảng Cộng hòa, trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang New Hampshire.
Cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich đứng kế tiếp trong cuộc thăm dò tại New Hampshire với 9%, trong khi cựu Thống đốc bang Utah Jon Huntsman được 8%.
Mùa bầu cử sơ bộ đã diễn ra đầu tiên ở bang Iowa. Bang này tuy chỉ là bang nhỏ nhưng được dư luận truyền thông đặc biệt quan tâm và thổi phồng. Vì thế, việc ông Mitt Romney giành thắng lợi tại đây với 25% phiếu ủng hộ được cho là bước khởi đầu đầy thuận lợi. 4 năm trước, ông Obama cũng đã giành chiến thắng tại bang này, và từng bước ghi dấu ấn trong chiến dịch tranh cử của mình để có được vị trí cao nhất.
Theo tờ Boston, nhiều cử tri của đảng Cộng hòa khi được phỏng vấn nhanh đều cho biết muốn nhanh chóng thay đổi tổng thống hiện thời nhưng họ cũng bày tỏ đã quá thất vọng với những lời hứa hão của các ứng cử viên, bất kể thuộc đảng nào. Một cử tri sống ở thị trấn Rumney, hạt Grafton của bang New Hampshire, cho biết: “Tôi không tin vào chính phủ. Tôi chỉ cần một cuộc bầu cử chân thật”.
Đảng Dân chủ bị làm khó
Ngày 10-1, Tòa án tối cao Mỹ đã bác đơn yêu cầu xem xét của 2 công dân Canada và Israel về việc họ bị cấm dùng tiền cá nhân hỗ trợ chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ. Đạo luật bầu cử liên bang của Mỹ chỉ cấm dùng tiền hỗ trợ cho các chiến dịch vận động tranh cử trong những trường hợp đặc biệt, có dấu hiệu gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình chính trị của Mỹ.
Bên cạnh đó là quy định: để bảo đảm quyền tự do ngôn luận, cho phép các cá nhân là người nước ngoài sinh sống tại Mỹ có thể dùng nguồn tài chính cá nhân đóng góp vào các chiến dịch vận động tranh cử. Hai công dân trên cho rằng quyết định của Tòa án tối cao trái với Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ quy định về quyền tự do ngôn luận.
Theo tờ Chicago Tribune, quyết định trên được đảng Cộng hòa vui mừng đón nhận trong khi đảng Dân chủ và ứng cử viên nặng ký của đảng này là Tổng thống đương nhiệm B.Obama kịch liệt phản đối. Lý do vì một trong 2 công dân trên muốn dùng tiền cá nhân để in tờ rơi, kêu gọi mọi người ủng hộ ông Obama.
| |
Như Quỳnh