Rất cần những trọng tài ngôi sao!

Bây giờ thì tôi ngồi chờ

CHU ĐÌNH NGẠN
Bây giờ thì tôi ngồi chờ

Trong khoảnh khắc này, không biết có bao nhiêu người đang chờ đợi như tôi. Chờ đợi như tôi nghĩa là chờ đợi trong mỏi mệt. Trong thấp thỏm. Và trong chán chường.

Bây giờ thì tôi ngồi chờ ảnh 1
Thiếu những trọng tài như Collina. Một tiếc nuối cho World Cup 2006!

Đã bao ngày chờ đợi như thế rồi. Ôi, cái World Cup tẻ nhạt này. Sau loạt trận đầu tiên cực kỳ đáng chán ở vòng đấu bảng, tôi tặc lưỡi: Những trận mở màn bao giờ cũng thế, như xe máy chạy rô-đa, không đội nào dám xả hết tốc lực.

Phải đợi qua loạt trận thứ hai. Nhưng loạt trận thứ hai như muốn thi đua với loạt trận thứ nhất xem loạt nào kém hấp dẫn hơn. Tôi lại tự an ủi: Đành phải đợi tới loạt trận thứ ba – loạt trận cuối cùng của vòng đấu bảng có ý nghĩa không khác gì loạt đấu nốc ao, thế nào cũng có những trận hay đẹp. Nhưng thực tế chẳng có gì giống như tôi nghĩ.

Có thể nói chưa có kỳ World Cup nào lại quá ít những trận đấu hay như kỳ này. World Cup 1990 và 1994 vẫn được xem là các giải đấu có chất lượng chuyên môn không cao thực ra vẫn đáng xem hơn World Cup 2006 rất nhiều, ít ra là cho tới trước loạt trận tứ kết.

Cho tới thời điểm này, chúng ta đã không thể nhận ra phong độ và bản sắc của hàng loạt đại gia. Hà Lan là một ví dụ điển hình. Không ai có thể nhận ra lối đá tấn công tổng lực của đội bóng đến từ xứ sở hoa uất kim hương. “Cơn lốc màu da cam” đã thiếp ngủ trên những đôi chân đã đánh mất những phẩm chất kỹ thuật để thay vào đó lối đá rắn lạ lẫm.

Trước khi vòng hai bắt đầu, tôi trông chờ ở Tây Ban Nha và Thụy Điển, như đã từng hy vọng vào đội Czech trước đó. Nhưng rốt cuộc đã không có một cơn địa chấn nào xảy ra. Trận đấu tuyệt vời trước đội Anh chỉ như một buổi tiệc biệt ly hoành tráng, sau đó có vẻ người Thụy Điển lại chí thú quay về với các môn thể thao mùa đông của người phương Bắc.

Các chàng trai Tây Ban Nha cũng vậy, bằng trận thua yếu ớt trước các ông già Pháp, dường như họ muốn nói rằng các trận đấu bò ở Seville và Madrid mới thực là thích hợp với họ, cũng như mới xứng đáng đi vào tiểu thuyết của Hemingway.

Nhưng ngay cả những đội chiến thắng xét cho cùng cũng chẳng hơn gì. Anh, Pháp, Ý như những đội giả mạo chính mình. Họ chơi tệ hơn chính họ trước đây quá nhiều. Người hâm mộ trông đợi nhiều ở Brazil nhưng với nhà cầm quân theo xu hướng thực dụng như Parreira, khán giả cũng chẳng thưởng ngoạn được gì nhiều, chỉ còn biết trông chờ vào những màn trình diễn ngẫu hứng của mỗi cá nhân. Nhưng đáng buồn là ngay cả các danh thủ cho đến nay vẫn chưa có ai thể hiện được gì nhiều. So với những màn trình diễn đầy ấn tượng ở câu lạc bộ, Ronaldinho, Kaka, Lampard, Gerrard, Shevchenko, Henry… chỉ còn cái bóng của chính mình.

World Cup năm nay không lôi cuốn còn do sự yếu kém của đội ngũ trọng tài. Quá nhiều những trọng tài kém cỏi, quá nhiều những thẻ đỏ vô duyên, quá nhiều những quả phạt đền vô lối – từ đó đưa đến những trận thua oan uổng và những trường hợp bị loại tức tưởi. Những lỗi lầm của trọng tài ở World Cup này nhiều đến mức không biết phải kể ra tên ai hay nhắc lại trường hợp nào.

Lời than phiền trọng tài từ các đội bóng vang lên không ngớt hết trận này đến trận khác và đáng ngạc nhiên thay, hầu hết những trách móc đều hữu lý. Đến Chủ tịch FIFA Sepp Blatter cũng ngán ngẩm đến mức đòi phạt thẻ vàng trọng tài. Ở đây có lẽ cũng cần phạt ông Blatter một thẻ vàng, thậm chí là thẻ đỏ. Vì đội ngũ trọng tài này do chính FIFA chọn lựa chứ ai. Bây giờ ông chủ tịch đâu có thể làm ra vẻ mình đứng trên và đứng ngoài chuyện đó như một kẻ bàng quan.

Lẽ ra FIFA phải quan niệm được rằng để một lễ hội thể thao có tính toàn cầu như World Cup đi đến thành công, ban tổ chức không chỉ cần các đội bóng ngôi sao, các cầu thủ ngôi sao mà còn cần các trọng tài ngôi sao. World Cup rất cần những gương mặt sáng giá như Pierlugi Collina hay Kim Nielsen.

Sự xuất hiện của những “thương hiệu” như vậy sẽ tạo được sự an tâm nơi cầu thủ và sự tin tưởng nơi người hâm mộ. Hơn nữa, ở trình độ của Collina và Kim, họ hiểu được mục đích quan trọng nhất của người trọng tài là cùng hai đội bóng đưa trận đấu đi đến thành công chứ không phải là phá vỡ nó bằng những tiếng còi máy móc, vô tội vạ như hàng loạt trọng tài ở World Cup 2006 đã làm.

Cuối cùng đành phải chờ. Chờ FIFA uốn nắn lại đội ngũ trọng tài. Chờ các đội bóng và các siêu sao sân cỏ chứng minh dù sao mình vẫn là mình.

Vì cho đến thời điểm ngồi gõ những con chữ này, nói thiệt là tôi chẳng thấy đội nào chơi bóng vì khán giả, trừ đội Đức. Thế mới ngược đời!

CHU ĐÌNH NGẠN

Tin cùng chuyên mục