“Bẫy” hào quang từ những bản cover

Cover (hát lại) các ca khúc mới hay cũ là việc thường thấy trong dòng chảy phát triển âm nhạc. Tuy nhiên, chuyện “chơi cover lắm có ngày đứt tay” cùng những vấn đề liên quan đến bản quyền ca khúc, mới đây lại trở thành chủ đề tranh luận. 

Bị khán giả làm căng

Ca sĩ Văn Mai Hương mới đây nhận hàng loạt chỉ trích từ cộng đồng người hâm mộ ca sĩ Lady Gaga về việc cover ca khúc Always remember us this way trong các chương trình biểu diễn mang tính chất thương mại.

Cụ thể, đầu tháng 6, cộng đồng hâm mộ Lady Gaga tại Việt Nam gửi thư khiếu nại lên Universal Music Group (trụ sở tại Hoa Kỳ) xoay quanh nghi vấn Văn Mai Hương sử dụng ca khúc trên chưa xin phép. Họ chỉ trích cô “lạm dụng” sức hút ca khúc, không tôn trọng bản gốc khi có lần không để tên Lady Gaga trong clip cover.

Trước vụ việc, Văn Mai Hương đã có những phản hồi và khẳng định âm nhạc là sự kết nối nên khi ca khúc này một lần nữa được nhiều khán giả Việt yêu mến từ bản cover thì cô tự hào mình là một fan của Lady Gaga.

“Bẫy” hào quang từ những bản cover ảnh 1 Văn Mai Hương cover "Always remember us this way" trong một buổi biểu diễn

Về vấn đề quên để tên Lady Gaga trong một video cover, cô cho biết đó là sơ suất của một bạn trong ê kíp và đã bổ sung. Tuy nhiên, khán giả vẫn không mấy hài lòng trước những phản hồi này, họ liên hệ Universal Music Group, các đơn vị liên quan, các địa điểm biểu diễn mời Văn Mai Hương hát để đối chất về vấn đề tác quyền. 

Tại hội thảo trực tuyến về kinh doanh âm nhạc Việt Nam - Vietnam Music Week mới đây, đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết, VCPMC là đối tác song phương với đơn vị đại diện quyền sở hữu tác giả của Lady Gaga và show diễn Văn Mai Hương đã được xin phép, cấp quyền biểu diễn. Riêng vấn đề quyền sao chép, phát hành ca khúc này trên các nền tảng khác của Văn Mai Hương thì cần được kiểm tra lại.

Còn phía Universal Music Group tại Việt Nam cũng có thông tin sẽ kiểm tra lại phía công ty mẹ, các đối tác liên quan để tìm hiểu kỹ hơn nên chưa phát ngôn chính thức. Và vào ngày 7-6, bản mashup Always remember us this way - Ngày chưa giông bão đã biến mất khỏi 2 nền tảng Apple Music và iTunes tại Việt Nam. 

Đây cũng không phải lần đầu Văn Mai Hương vướng lùm xùm cover. Cô cũng bị “tố” cover I will go to you like the first snow (ca khúc trong phim Hàn Quốc Goblin) tại nhiều show có bán vé, đăng lên kênh YouTube cá nhân và “quên” ghi tên ca sĩ sở hữu bản quyền. Giữa năm 2020, cô chịu không ít ý kiến trái chiều khi cover Hoa nở không màu (Hoài Lâm thể hiện, Nguyễn Minh Cường sáng tác).

Cần tôn trọng bản quyền

Vài năm gần đây, phong trào cover phát triển mạnh. Nhiều người trẻ nhờ đi theo hướng này mà nổi tiếng, có cơ hội lấn sân con đường ca hát chuyên nghiệp như: Tăng Phúc, Quân A.P, Hương Ly, Hoa Vinh, Ngô Lan Hương, Vicky Nhung…

Các kênh YouTube chuyên đợi ca sĩ ra nhạc để cover mọc lên như nấm. Không ít ca sĩ chuyên nghiệp như Đàm Vĩnh Hưng, Bảo Anh, Hòa Minzy mạnh tay chi tiền tổ chức các cuộc thi cover như một “chiêu” lan tỏa sản phẩm âm nhạc của mình. Không chỉ các giọng ca chưa thành danh mà ca sĩ chuyên nghiệp cũng thường xuyên cover bài đồng nghiệp. 

Mặt trái của cover chính là vấn đề vi phạm bản quyền. Đã có rất nhiều vụ mang bài của người khác đi diễn kiếm tiền khiến khán giả ngán ngẩm, còn các đơn vị bảo vệ bản quyền đau đầu xử lý vi phạm. Hương Ly từng bị tố sử dụng ca khúc Bước qua đời nhau “chạy show” không xin phép tác giả Khắc Việt.

Quản lý của Hương Ly và ca sĩ Đức Phúc cũng từng có thời gian ồn ào từ việc không thống nhất trong việc cover. Việc cover những ca khúc nước ngoài chưa xin phép tác giả cũng khá phổ biến ở V-pop. Rất nhiều ca sĩ Việt từng cover loạt ca khúc nước ngoài đã vướng ồn ào. 

Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, trong gần 19 năm hoạt động, đã gặp nhiều trường hợp sử dụng bài hát của anh với mục đích thương mại mà không xin phép. Lý do là từ trước đến nay một bộ phận khán giả Việt quen “xài chùa”, các đơn vị tổ chức biểu diễn quá quen biểu diễn ca khúc mà không hỏi han, các YouTuber quá quen cover, bật kiếm tiền trên kênh YouTube mà không phải trả tiền…

“Cover là trào lưu không mới, tiềm ẩn cơ hội cho các ca sĩ, và rủi ro nếu có là do sự thiếu tinh tế, thiếu tôn trọng quyền tác giả. Khi cover ca khúc trong một chương trình thương mại, có doanh thu, quảng cáo thì khi việc “để quên” tên nhạc sĩ, ca sĩ sở hữu ca khúc đó ảnh hưởng tới chính người biểu diễn. Có thể trước mắt chưa thấy gì, nhưng về lâu dài, khán giả sẽ đánh giá đó là sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu tôn trọng bản gốc”, anh nói.

Từ vụ việc mới nhất của Văn Mai Hương càng thấy rõ, việc cover một ca khúc ẩn chứa nhiều rủi ro, chịu đánh giá khắt khe, dù cô không thiếu năng lực, cá tính âm nhạc như những hiện tượng cover.

Nghệ sĩ thực sự không cần dựa vào một bản cover, đứng dưới cái bóng của bất cứ ai để hâm nóng tên tuổi. Bởi sự hâm nóng tên tuổi, những lợi ích kinh tế mà một bản cover mang lại không thể đủ bù đắp cho những rủi ro họ có thể gánh.

Tin cùng chuyên mục