Bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 25: Tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông

Chiều 13-11, tại Trung tâm hội nghị quốc tế Myanmar ở thủ đô Nay Pyi Taw đã bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 và các cuộc gặp cấp cao giữa ASEAN với các nước đối tác. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự và có các phát biểu quan trọng tại các hội nghị.
Bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 25: Tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông

Chiều 13-11, tại Trung tâm hội nghị quốc tế Myanmar ở thủ đô Nay Pyi Taw đã bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 và các cuộc gặp cấp cao giữa ASEAN với các nước đối tác. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự và có các phát biểu quan trọng tại các hội nghị.

Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN 25

Kết thúc 2 ngày diễn ra các hội nghị cấp cao giữa ASEAN và các nước đối tác, Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN 25 khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định, đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông, tiếp tục nhấn mạnh các nguyên tắc được nêu trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về biển Đông; Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 15 về kỷ niệm 10 năm DOC và các Tuyên bố liên quan của ASEAN được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24.

Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN 25 hoan nghênh kết quả tích cực trong tham vấn về thực hiện DOC và nhất trí phấn đấu sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận. Theo đó, các bên nhất trí thúc đẩy tham vấn với Trung Quốc về các biện pháp và cơ chế nhằm đảm bảo và tăng cường hơn nữa việc triển khai đầy đủ và hiệu quả toàn bộ DOC và sớm đạt được COC, đề nghị triển khai thêm các biện pháp “thu hoạch sớm” nhằm thúc đẩy và tăng cường lòng tin ở khu vực.

Đoàn Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 9 (EAS).

Tuyên bố cũng bày tỏ quan ngại về tình hình trên biển Đông và tái khẳng định các cam kết chung về đảm bảo giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, không đe dọa hay sử dụng vũ lực, thực hiện kiềm chế và không được có các hoạt động gây phức tạp thêm tình hình, hay mở rộng gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Tuyên bố tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của các cam kết chung của các nước thành viên ASEAN đối với hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải và lòng tin chung trong khu vực và nhấn mạnh sự cần thiết tạo dựng các điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp.

EAS cần có một tầm nhìn dài hạn

Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 9 vào sáng 13-11 với sự tham gia của các vị lãnh đạo nhà nước và chính phủ các nước ASEAN, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga, Hoa Kỳ và Tổng thư ký ASEAN. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điểm lại những đóng góp quan trọng của EAS vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Là diễn đàn của các nhà lãnh đạo bàn về các vấn đề chiến lược, EAS cần có một tầm nhìn dài hạn đã giúp tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, tạo thuận lợi đẩy mạnh hợp tác khu vực, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên hợp tác gồm năng lượng, tài chính, môi trường và quản lý thiên tai, giáo dục, bệnh dịch và kết nối.

Về vấn đề biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không là lợi ích và mối quan tâm chung của các nước trong và ngoài khu vực. Trước bối cảnh tình hình biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, Thủ tướng đề nghị các bên cần đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực nhằm bảo đảm việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982; thực hiện kiềm chế, không có hành động đơn phương làm phức tạp tình hình hay làm thay đổi nguyên trạng ở biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; thực hiện đầy đủ và nghiêm túc DOC.

Cùng ngày cũng đã diễn ra các hội nghị cấp cao ASEAN với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc; Hội nghị Cấp cao ASEAN + Hoa Kỳ, Hội nghị cấp cao tiểu vùng Mekong + Hoa Kỳ.

THỤY VŨ (tổng hợp)

Việt Nam - Hoa Kỳ tăng cường quan hệ hợp tác

Nhân dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 9 và các hội nghị cấp cao liên quan tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar ngày 13-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp chính thức với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Barack Obama bày tỏ vui mừng trước những tiến triển đạt được trong quan hệ hai nước trên các lĩnh vực, nhất là từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập khuôn khổ hợp tác Đối tác toàn diện năm 2013; hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, y tế, nhân đạo, năng lượng sạch được tăng cường; đối thoại trên các lĩnh vực an ninh - quốc phòng và quyền con người được tiến hành thường xuyên; cùng tích cực tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò của Tổng thống Barack Obama và khẳng định Việt Nam quyết tâm cùng với Hoa Kỳ và các nước tích cực thúc đẩy tiến trình đàm phán trên cơ sở đảm bảo cân bằng lợi ích của các bên tham gia và dành cho các thành viên đang phát triển, trong đó có Việt Nam, thời gian chuyển đổi hợp lý để thực thi hiệp định; đề nghị Tổng thống Obama chỉ đạo đoàn đàm phán Hoa Kỳ đáp ứng các lợi ích của Việt Nam về mở cửa thị trường và có những linh hoạt cần thiết phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục tăng ngân sách cho các hoạt động tẩy độc và hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam, rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh; đề nghị Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương.

Tổng thống Obama khẳng định, Hoa Kỳ mong muốn thấy một đất nước Việt Nam phát triển mạnh mẽ, thịnh vượng; cam kết thúc đẩy quan hệ song phương trên cơ sở các lĩnh vực ưu tiên được đề ra trong quan hệ Đối tác toàn diện vì lợi ích của nhân dân hai nước; bày tỏ vui mừng hai nước đã ký kết hiệp định sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình (Hiệp định 123); tin tưởng hai nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh - quốc phòng, giáo dục - đào tạo, giao lưu nhân dân, năng lượng sạch.

Tổng thống Hoa Kỳ khẳng định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tẩy độc dioxin, rà phá bom mìn, hoan nghênh Việt Nam tham gia các Công ước của Liên hiệp quốc về chống tra tấn và người tàn tật. Về TPP, Tổng thống Obama khẳng định sẽ xem xét dành những linh hoạt cần thiết đối với Việt Nam và phù hợp với lợi ích của cả hai bên. Tổng thống Obama tiếp tục khẳng định coi trọng hợp tác với Tiểu vùng sông Mekong, trong đó có việc đảm bảo sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước và sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và các nước tiểu vùng trong khuôn khổ Sáng kiến Hạ nguồn Mekong.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời Tổng thống Obama trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Rõ ràng, Hoa Kỳ và Việt Nam có một lịch sử rất phức tạp và khó khăn, nhưng trong những năm qua hai nước ngày càng hợp tác sâu hơn và càng có nhiều cơ hội hợp tác hơn”.

HUY QUỐC (tổng hợp)

>> Hội nghị Cấp cao ASEAN 25 thông qua các tuyên bố về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015

Tin cùng chuyên mục