Hôm qua 23-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục thảo luận về các dự án Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Đo lường.
- Giải quyết tình trạng khiếu nại đông người
|
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu một số vấn đề về dự án luật sau khi có ý kiến của các ủy viên UBTVQH, thủ tục, quy trình giải quyết khiếu nại đông người sẽ được giao cho Chính phủ quy định cụ thể trong nghị định hướng dẫn thi hành.
Chưa bằng lòng với phương án này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước đề nghị dành hẳn một chương trong luật để quy định cụ thể về khiếu nại đông người. Ông K’sor Phước thẳng thắn nhận định: “Quốc hội không thể lảng tránh cái này và cũng không thể cứ thấy khó là “đẩy” sang cho Chính phủ quy định. Những kẻ lợi dụng khiếu nại đông người để gây rối, bạo động sẽ bị nghiêm trị theo các quy định pháp luật khác”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta quyết định giao cho Chính phủ quy định trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại đông người? Cần rõ lý lẽ về việc này. Đối với tòa án, một vụ án có nhiều đồng nguyên đơn, đồng phạm tội thì trình tự giải quyết cơ bản cũng như nhau. Theo tôi, vấn đề cốt lõi ở đây là khiếu nại, giải quyết khiếu nại đông người thì cơ bản vẫn là xử lý khiếu nại đó, chỉ giải quyết yếu tố “đông người” sao cho hợp lý, chứ quy định giải quyết theo một trình tự thủ tục khác hẳn thì không ổn”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu “chưa nên đưa ra kết luận ngay”, mà tiếp tục xem xét kỹ vấn đề trong phiên họp sau của UBTVQH.
- Chấp nhận tố cáo qua fax, điện thoại
Về một số vấn đề lớn liên quan đến dự án Luật Tố cáo, theo báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày, dự thảo Luật Tố cáo đã mở rộng đối tượng có quyền tố cáo. Ngoài công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam, tới đây, các cơ quan, tổ chức cũng là các chủ thể có quyền tố cáo. Hình thức tố cáo được chấp nhận cũng sẽ đa dạng hơn, bao gồm cả thư điện tử, fax, qua điện thoại.
Đồng tình với việc mở rộng đối tượng có quyền tố cáo cũng như các hình thức tố cáo, nhưng nhiều ý kiến trong UBTVQH còn e ngại về khả năng kiểm tra độ xác thực của các hình thức tố cáo mới được chấp nhận. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Dự thảo luật quy định sau 15 ngày hoặc 45 ngày tiếp nhận tố cáo qua fax, điện thoại, tin nhắn… thì cơ quan tiếp nhận phải xác minh sơ bộ nội dung tố cáo. Tôi cho việc này không khả thi, vì bộ máy hiện nay không thể đủ người làm việc đó! Cho nên phải bổ sung một số yêu cầu nữa, chẳng hạn như người điện thoại tới phải xưng danh và phải chịu trách nhiệm về nội dung tố cáo”.
Rất hoan nghênh quan điểm bảo vệ cho người tố cáo, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai còn phân vân về tính khả thi của các quy định này. “Đã thực hiện nguyên tắc bí mật thông tin cho người tố cáo thì tổ chức bảo vệ người đó như thế nào? Bảo vệ trong bao lâu? Và nói cho cùng thì việc bí mật thông tin là rất khó. Trên thực tế, không chỉ có người bị tố cáo có thể trù úm, đối xử bất công với người tố cáo, mà cả cơ quan, tổ chức và những lãnh đạo khác cũng sẽ rất dè dặt, thậm chí phân biệt đối xử với người tố cáo vì những lý do nghe có vẻ rất khách quan. Đề nghị Ủy ban Pháp luật tính thêm chỗ này”, bà Mai nêu vấn đề.
- Luật đo lường còn khó hiểu
Chiều cùng ngày, UBTVQH nghe và cho ý kiến về dự án Luật Đo lường. Nhiều thành viên UBTVQH cho rằng, cách thức thể hiện dự án luật vẫn còn quá “bác học”, khó hiểu.
Mặc dù có nhắc đến khái niệm “các đơn vị đo lường cổ truyền” nhưng dự thảo luật không đưa các đơn vị này vào phạm vi điều chỉnh. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói: “Tôi e là nội dung dự thảo như thế này chưa đáp ứng được mong đợi của công chúng, đơn cử như việc xử lý triệt để tình trạng gian lận trong lĩnh vực mua bán xăng dầu, mua bán vàng…”.
Phát biểu bế mạc phiên họp thứ nhất của UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặc biệt lưu ý đến khối lượng công việc rất lớn của kỳ họp Quốc hội sắp tới. Đây là phiên họp cuối năm, nhưng chương trình xây dựng pháp luật khá nặng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm tổ chức một phiên họp chuyên đề để thống nhất ý kiến hoàn thiện các dự thảo luật, pháp lệnh trước khi trình ra Quốc hội theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật.
ANH THƯ