Bến cảng lòng dân

Đối với tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, thật khó kể hết những hy sinh thầm lặng của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương tại những bến tàu không số đã làm nên kỳ tích trong cuộc chiến tranh giữ nước, giành độc lập của dân tộc.
Bến cảng lòng dân

Đối với tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, thật khó kể hết những hy sinh thầm lặng của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương tại những bến tàu không số đã làm nên kỳ tích trong cuộc chiến tranh giữ nước, giành độc lập của dân tộc.

  • Mở bến - khai thông con đường chiến lược

Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962 nhớ lại: Đầu năm 1967, Trung ương Cục chủ trương rút gọn Đoàn 962 còn lại một trung đoàn. Giữa năm 1969, địch tái chiếm Chi khu Năm Căn, chúng thực hiện chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” với quy mô rộng lớn. Khu vực Vàm Lũng, Rạch Gốc, cửa Bồ Đề địch kiểm soát gắt gao hơn. Trung đoàn tiếp tục chuyển bến tiếp nhận chính từ Vàm Lũng lên vàm Hố Gùi và lấy khu vực rạch Cá Chốt làm bến đậu cho tàu. Ngày 30-10-1969, ta đón tàu do thuyền trưởng Đỗ Văn Bé chỉ huy vào bến an toàn, mở đầu cho đợt vận chuyển và tiếp nhận mới.

Từ đó, đến cuối năm 1970, bến vàm Hố Gùi còn tiếp nhận thêm 4 con tàu. Ở Bến Tre đón được 1 tàu. Ngày 12-4-1971, tàu Nhật Lệ 69, sức chở 200 tấn, do thuyền trưởng Phan Xã chỉ huy, trên đường vào vàm Hố Gùi thì gặp địch, ta đánh trả và cuối cùng phá hủy tàu.

Trước đó, tàu của thuyền trưởng Ngọc ở Bến Tre cũng đụng địch ngoài khơi, ta cũng phá hủy tàu. Trước 2 tổn thất trên, Bộ Tổng tham mưu chỉ thị kết thúc vận chuyển bằng tàu sắt của Đoàn 125 đến các bến của Trung đoàn 962. Như vậy, từ chuyến mở đầu tiên đến chuyến kết thúc, con đường vận tải trên biển Đông, các bến của Đoàn 962 đã đón và tiếp nhận được 124 tàu. Trong đó: bến Cà Mau 76 tàu, bến Bến Tre (tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú) 28 tàu, bến Trà Vinh (tại 2 xã Long Vĩnh và Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải) 17 tàu và bến Bà Rịa ( tại Rạch Chanh, một nhánh của sông Ray) 3 tàu.

Trong căn nhà nhỏ ở Cần Thơ, Đại tá Khưu Ngọc Bảy lần giở những trang sử của Đoàn 962. Vị đại tá năm nay đã 75 tuổi vẫn còn nhớ như in từng câu chuyện lập đường mở bến.

Ông kể: Do bến Cà Mau nhận được nhiều vũ khí hơn các bến khác, nên theo chỉ đạo của Trung ương Cục, Đoàn 962 mở một tuyến đường vận tải nội bộ, dọc theo ven biển để chuyển hàng lên cho Quân khu 7 và mặt trận Nam Sài Gòn. Tuyến đường này gồm 3 cung đoạn: Từ Cà Mau qua Trà Vinh, từ Trà Vinh đi Bến Tre và cung đoạn nguy hiểm nhất là từ Bến Tre giao hàng cho Quân khu 7 ở Cần Giờ. Tuyến đường này hoạt động liên tục trong những năm 1964 - 1966 và đã chuyển lên Quân khu 7 tổng cộng 1.400 tấn hàng, trong đó có 4 quả thủy lôi “sừng chạm” KB của Liên Xô, mỗi quả nặng 1.075kg chuyển từ bến Cà Mau lên. 2 trong 4 quả thủy lôi đó, bộ đội rừng Sát đã đánh chìm tàu Balon Rouge Victory của Mỹ trên sông Lòng Tàu.

  • Đổi thay nơi bến hẹn năm xưa

Xã Thạnh Phong (Thạnh Phú - Bến Tre) từng 2 lần đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND nhưng nay vẫn còn nghèo khó.

Để vực dậy vùng đất lịch sử này, ngày 17-10-2010, Tỉnh ủy - UBND tỉnh Bến Tre đã tổ chức lễ đặt viên đá khởi động Dự án Công viên nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển tại cồn Bửng.

Với dự án “nước Việt Nam thu nhỏ” trên diện tích 635ha (tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2020), cùng với các dự án nâng cấp QL57, bắc cầu Ván, làm đường Cồn Rừng, đường Cồn Bửng, đường tránh bão... đang và sẽ thực hiện, vùng đất này như đang chuyển động. Người dân Thạnh Phú, Thạnh Phong kỳ vọng vào “thành phố du lịch” (cách họ gọi dự án công viên nói trên) trong tương lai.

Bãi biển xã Trường Long Hòa (Duyên Hải, Trà Vinh) giờ đã thành khu du lịch sầm uất.

Bãi biển xã Trường Long Hòa (Duyên Hải, Trà Vinh) giờ đã thành khu du lịch sầm uất.

Ngày 21-1-2011, Đảng bộ và nhân dân xã Trường Long Hòa (huyện Duyên Hải, Trà Vinh) long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu xã văn hóa. Trong 5 năm qua, xã Trường Long Hòa đã thực hiện 5 tiêu chí để xây dựng xã văn hóa.

Từ khi xây dựng xã văn hóa, nhìn chung kinh tế của xã luôn phát triển, đời sống nhân dân được ổn định và nâng lên, giá trị sản xuất hàng năm luôn tăng cao, tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trên 14%, thu nhập bình quân đầu người luôn đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Riêng năm 2010 tăng trưởng 18,6%, thu nhập bình quân đầu người 17 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,8%. Xã có 5/5 ấp được công nhận ấp văn hóa, hàng năm đều được kiểm tra tái công nhận. Riêng ấp Văn hóa Cồn Tàu, hai lần được chọn biểu dương cấp tỉnh.

Phát huy truyền thống xã anh hùng, Đảng bộ và quân, dân Tân Ân và thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) đang nỗ lực, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp; quyết tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Xã Tân Ân sau chia tách đã sớm ổn định công tác xây dựng hệ thống chính trị, đi vào hoạt động hiệu quả. Thị trấn Rạch Gốc đang trong quá trình quy hoạch, xây dựng và phát triển, với trên 700 cơ sở kinh doanh, dịch vụ, xứng đáng trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện Ngọc Hiển.

Bằng nhiều chủ trương, chính sách của trung ương, của tỉnh, huyện về xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, chăm lo sự nghiệp giáo dục và chăm sóc sức khỏe nhân dân, tin rằng trong tương lai gần tình hình kinh tế, văn hóa - xã hội của thị trấn Rạch Gốc và xã Tân Ân sẽ phát triển lên tầm cao mới.

*****

Kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển, cả nước tự hào, xúc động nhớ về Đoàn tàu không số và những bến cảng lòng dân. Trên quê hương những con tàu không số đã từng cặp bến, đồng bào ta, cô bác ta, các mẹ, các chị đang tiếp nối truyền thống anh hùng trong xây dựng quê hương. 

TRẦN MINH TRƯỜNG

Thông tin liên quan

- Gặp mặt truyền thống cựu chiến binh “Đoàn tàu không số” tại Hà Nội

- Người hai lần từ chối danh hiệu anh hùng

- Tìm về Vàm Lũng

- Cuộc chiến chống thủy lôi

- Con tàu huyền thoại

- Cảm tử quân mang tên T165

- Những anh hùng chưa được phong tặng

- Mở đường, lập bến vùng đất mũi Cà Mau 

Tin cùng chuyên mục