Bến cóc núp bóng bãi giữ xe suốt 10 năm qua

Người dân tiếp tục gọi đến đường dây nóng Báo SGGP than phiền về bến cóc trên đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh) tồn tại nhiều năm qua, gây biết bao phiền hà cho người dân nhưng chính quyền địa phương như không hề hay biết!
Các nhà xe đang lên khách tại bãi giữ xe Bảo Trân, địa chỉ số 391 Đinh Bộ Lĩnh
Các nhà xe đang lên khách tại bãi giữ xe Bảo Trân, địa chỉ số 391 Đinh Bộ Lĩnh
Trên Báo SGGP số ra ngày 10-4 có đăng bài “Bến cóc” vẫn trụ trong nội thành, phản ánh thực trạng các bến cóc hoạt động rầm rộ ở nhiều tuyến đường thuộc khu vực trung tâm TPHCM, ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Từ bài báo trên, người dân tiếp tục gọi đến đường dây nóng Báo SGGP than phiền về bến cóc trên đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh) tồn tại nhiều năm qua, gây biết bao phiền hà cho người dân nhưng chính quyền địa phương như không hề hay biết!
Bến xe miền Đông 2?
Gọi đến đường dây nóng, ông Hà Duy Phương (ngụ đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh) phản ánh: “Nhắc đến bến cóc là chúng tôi bức xúc lắm! Trong trung tâm TP người ta dùng xe nhỏ để đón khách, còn ở quận Bình Thạnh người ta lập hẳn vài bến cóc, quy mô đến mức nhiều người gọi luôn là Bến xe miền Đông 2. Xe khách liên tỉnh loại 40 chỗ trở lên ra vào liên tục. Đoạn đường này thường xuyên kẹt xe, trong khi Bến xe miền Đông cố gắng phân luồng để xe ra - vào hạn chế ảnh hưởng đến giao thông thì xe ở các bến cóc này vô tư choán hết đường, gây ảnh hưởng cho các phương tiện cùng lưu thông”.
Theo lời người dân chỉ, chúng tôi tìm đến địa chỉ 391 Đinh Bộ Lĩnh. Ở phía ngoài cổng là tấm biển “Bãi giữ xe ô tô Bảo Trân”, đi vào phía trong bãi, có khoảng 10 chiếc xe loại 7 chỗ, 16 chỗ đang đậu và trong số 12 chiếc xe khách chạy tỉnh, có xe vừa trả khách, có xe đang lên khách chuẩn bị rời bến. Các xe khách đều đề biển ghi rõ tuyến từ Bến xe miền Đông đi tỉnh như hãng xe Thanh Thủy đi Bến xe Quảng Ngãi; xe CLC Hoàng Gia 77 đi Tâm Châu (Bảo Lộc); xe Anh Trân đi Hà Tĩnh; Thảo Vi đi Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu); xe Quang Sơn đi Mũi Né; xe Đệ Nhất đi An Nhơn (Bình Định); xe Kim Thành đi Quảng Ngãi… Chỉ quan sát chừng một giờ đồng hồ, chúng tôi ghi nhận có khoảng 5 xe xuất bến và 4 xe vào bến. Mỗi lần có xe khách đổ dốc cầu Bình Triệu rồi xi nhan bên phải là các phương tiện đang lưu thông loạng choạng tìm hướng đi, bởi phía bên trái là luồng xe khách xi nhan rẽ vào Bến xe miền Đông, 2 luồng xe trên khiến các phương tiện bị kẹp giữa, gây cảnh ùn ứ và rất nguy hiểm. 
Ngay trong bến cóc có văn phòng bán vé của các hãng xe, dịch vụ ký gửi hàng hóa và thu phí vào bãi đối với xe máy cũng y như Bến xe miền Đông, mỗi xe máy ra vào đều có bảo vệ chặn ở cổng thu 5.000 đồng/lượt. Chúng tôi thắc mắc về tiền thu vé xe máy khi vào bãi xe đón người nhà, người này chỉ sang phía Bến xe miền Đông rồi lớn tiếng: “Chị thử vào bến xe xem người ta có thu tiền không, ở đây cũng y như vậy, 5.000 đồng/lượt, người ta mở bến xe mất tiền cho Nhà nước chứ có phải chỗ công cộng đâu”. 
Chị Phạm Thanh Hiền (ngụ quận Gò Vấp) cho biết: “Tôi đặt vé của nhà xe Thanh Thủy đi Quảng Ngãi, người của nhà xe này báo tôi qua Bến xe miền Đông 2 nằm trong bãi giữ xe Bảo Trân ở địa chỉ 391 Đinh Bộ Lĩnh để lấy vé lên xe. Tôi tưởng đâu TP mới mở thêm bến này để phục vụ hành khách, vì cũng có hàng chục xe của nhiều hãng tập trung đón, trả khách tại đây, tấp nập lắm”. 
Tương tự, bến cóc ở địa chỉ 397 Đinh Bộ Lĩnh cũng hoạt động dưới danh nghĩa bãi đậu xe. Tại đây có các hãng xe Hồng Chương chạy tuyến Bến xe Thanh Hóa - Bến xe miền Đông; xe Kính Sinh chạy tuyến Bến xe miền Đông - Bến xe Gia Lai; xe Kim Ngân chạy tuyến Bến xe Đắk Mil - Bến xe miền Đông… Người quản lý của bến này cũng ngồi ngay ngoài cổng để tiện thu tiền phí các phương tiện. Hơn thế, còn tự ý điều phối giao thông trên tuyến đường Đinh Bộ Lĩnh để xe dễ dàng ra vào bến. 
Ngang nhiên hoạt động thời gian dài
Ông Hà Duy Phương cho biết thêm: “Cứ vài phút lại có xe ra, vào, tính ra mỗi ngày có cả trăm xe hoạt động ở 2 bến cóc 391 và 397; khủng khiếp nhất là dịp lễ, tết, nhưng dường như cơ quan chức năng không thấy. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên phường và quận nhưng chẳng thấy đơn vị nào trả lời, xử lý”. Được biết, 2 bến cóc này được cấp giấy phép hoạt động bãi giữ xe từ năm 2008 và kể từ đó, nơi đây hình thành bến cóc, với hàng chục đầu xe từ các hãng chạy tuyến TPHCM đến các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và ngược lại. 
Nói về tình trạng các bến cóc hoạt động rầm rộ gây bức xúc cho người dân, đại diện UBND phường 26 (quận Bình Thạnh) cho biết thường xuyên lập tổ công tác kiểm tra bãi giữ xe này. Dù phát hiện vi phạm nhưng thẩm quyền xử lý của phường chỉ là phạt hành chính, không có chức năng yêu cầu ngưng hoạt động hoặc rút giấy phép kinh doanh. Trong khi đó, mức phạt hành chính khá thấp nên các bãi giữ xe này chấp nhận nộp phạt để tồn tại. Lực lượng Thanh tra giao thông cho rằng họ chỉ có chức năng kiểm tra xử lý đối với các phương tiện vi phạm trên đường, còn trong bến, bãi thì không có thẩm quyền kiểm tra. 
Trong khi đó, theo Thông báo số 58/TB-VP ngày 25-1-2017 của UBND TPHCM về nội dung kết luận của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tại buổi họp xem xét báo cáo kết quả xử lý tình trạng xe dù, bến cóc, thì giao trách nhiệm trực tiếp cho chủ tịch UBND các quận, huyện trong công tác phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Công an TP và các ngành có liên quan, chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương rà soát, kiểm tra, giải quyết dứt điểm và không để tái diễn tình trạng xe dù, bến cóc trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý của quận, huyện.
Tương tự, tại văn bản số 7041/VP-ĐT ngày 31-5-2017 của UBND TPHCM (về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Đoàn kiểm tra liên ngành hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô trên địa bàn TP),  Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa đã có ý kiến chỉ đạo công tác kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động xe dù, bến cóc, đảm bảo an ninh trật tự đô thị là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm chính trên địa bàn mình quản lý.
Như vậy đã rõ, TP đã chỉ đích danh UBND quận, huyện chịu trách nhiệm trong việc để tồn tại xe dù, bến cóc trên địa bàn, nghĩa là 2 bến xe này thuộc thẩm quyền xử lý của UBND quận Bình Thạnh. Nhưng, phải chăng quận này chưa nắm được thông tin về bến xe hoạt động núp bóng bãi giữ xe suốt 10 năm qua?

Tin cùng chuyên mục