Nghệ nhân Nguyễn Văn Công, ngụ xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho biết, đang vào cao điểm sản xuất kiểng thú hình con dê (ảnh) phục vụ thị trường Tết Ất Mùi 2015. Hiện tại có nhiều khách hàng từ TPHCM, các tỉnh ĐBSCL, miền Đông… đặt mua kiểng thú hình con dê với giá dao động từ 4 - 7 triệu đồng/cặp (tùy lớn nhỏ).
Kiểng thú hình 12 con giáp là thế mạnh đặc thù của nhà vườn Chợ Lách, luôn hút hàng trong dịp tết mỗi năm. Theo ông Công, ngoài kiểng hình con dê, Tết Nguyên đán năm nay, cơ sở còn sản xuất kiểng hình con rồng, bình trà, bình bông, cây đàn, hình trái tim, nai, hươu… với giá từ vài triệu đồng đến khoảng 30 triệu đồng/cặp.
Trong khi đó, một số nghệ nhân ở huyện Chợ Lách còn cho ra đời kiểng con dê bằng cây tắc. Ông Trần Văn Được, chủ cơ sở Năm Được (ở ấp Phú Hưng, xã Hưng Khánh Trung B), nói: “Nếu như các cơ sở khác làm kiểng thú bằng cây gừa thì tôi sử dụng cây tắc để tìm hướng đi riêng. Trung bình một con dê tốn khoảng 30 - 40 giỏ tắc và mất gần 4 ngày tạo dáng mới xong. Trước đó, phải trồng tắc vào khoảng tháng 3, tháng 4, hàng ngày chăm sóc chu đáo để cây tắc cho trái đều, màu đẹp nhằm tạo hình kiểng thú hấp dẫn…”.
NGUYỄN THANH
ĐBSCL sẽ có cánh đồng lớn 800.000ha
Theo thông tin từ Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vina Food 2), trong chiến lược phát triển vùng nguyên liệu đến năm 2020, Vina Food 2 sẽ xây dựng cánh đồng lớn với diện tích 800.000ha, chiếm 20% diện tích sản xuất lúa/năm của ĐBSCL, với sản lượng đạt khoảng 4,5 triệu tấn, tương đương 2 triệu tấn gạo.
Hiện Vina Food 2 đã có chiến lược thay đổi tư duy tiếp cận thị trường, trong đó chú trọng thị trường xuất khẩu gạo tập trung sang các nước Philippines, Malaysia, Indonesia. Các công ty lương thực trực thuộc sẽ tập trung thu mua lúa thay mua gạo như trước đây. Theo đó, Vina Food 2 đang triển khai các giải pháp như xúc tiến xây dựng thị trường thương mại gạo; liên kết các địa phương xây dựng cánh đồng lớn theo 3 phương thức: Đầu tư toàn bộ vật tư đầu vào và tiêu thụ đầu ra; đầu tư một phần vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra và đặt hàng cho nông dân sản xuất rồi thu mua lúa hàng hóa trong dân.
PHAN THỊ