Bên vợ, bên chồng

Đối nhân khéo, xử thế hay trong mối quan hệ với cả hai bên nội - ngoại không chỉ làm trọn đạo hiếu mà gia đình cũng hạnh phúc, ấm êm.
Đối xử hài hòa với hai bên nội - ngoại giúp gia đình luôn vui vẻ. Ảnh: Rawpixel
Đối xử hài hòa với hai bên nội - ngoại giúp gia đình luôn vui vẻ. Ảnh: Rawpixel

1. “Em đã đặt vé máy bay để dịp lể Quốc khánh 2-9 này mình đưa hai con về chơi với ông bà nội. Kỳ nghỉ lễ cũng khá dài, tụi nhỏ lâu rồi không được về quê chắc là háo hức lắm đây”, chị Minh Hằng (ngụ quận 12, TPHCM) thông báo với chồng. Vào dịp tết vừa qua, do dịch bệnh chưa hoàn toàn ổn định, chi phí đi lại đắt đỏ nên chị bàn bạc với chồng lùi thời gian về quê nội, thay vào đó, cả gia đình về nhà ông bà ngoại ở Bình Thuận ăn tết vì gần hơn. Tuy vậy, vợ chồng chị Minh Hằng vẫn gửi tiền về biếu bố mẹ chồng mua sắm, chi tiêu. Sau gần 2 năm không gặp được con cháu vì dịch bệnh, khỏi phải nói, bố mẹ chồng chị Hằng mừng như thế nào. Lần nào gọi điện cũng đếm từng ngày, mong được gặp con, gặp cháu.  

Trong khi đó, để “vẹn cả đôi đường”, dịp Tết 2022, chị Thùy Dung (ngụ huyện Củ Chi, TPHCM) chọn phương án ăn tết cả hai quê. Chị bàn với chồng tranh thủ về quê ngoại (Khánh Hòa) từ ngày 26 Tết và ở với ông bà đến chiều 29 Tết rồi mới về quê nội, (Vĩnh Phúc). Chị cho biết, dù lịch trình đi lại cũng khá phức tạp, nhưng sau 2 năm dịch bệnh không về thăm gia đình nên cả hai cố gắng thu xếp, chấp nhận tốn kém hơn một chút. Trước đó, gia đình chị luôn chọn mỗi năm ăn tết một nơi để giảm đi lại, chi phí và vẫn gửi biếu một phần cho bố mẹ hai bên sắm sửa. “Khi có gia đình, có con nhỏ, mọi thứ luôn cần được tính toán kỹ lưỡng để bố mẹ hai bên đều thấy vui lòng. Với tôi, dù nội hay ngoại đều là gia đình mình. Ngay cả khi mình hoàn toàn tự lập, không thể nhất bên trọng nhất bên khinh”, chị nêu quan điểm.

2. Thực tế hiện nay, vẫn còn không ít tư tưởng nhất bên trọng, nhất bên khinh. Câu chuyện của chị Mai Hương (ngụ quận 4, TPHCM) là ví dụ. Sau khi lấy chồng, vốn là người có thu nhập cao hơn, lại quán xuyến mọi chi tiêu nên chị tự quyết mọi việc trong nhà. Với chị, gia đình nhà ngoại lúc nào cũng là trên hết. Chị cũng quan niệm, việc gửi biếu bố mẹ chồng tiền mỗi khi ốm đau, lễ tết, giỗ chạp là đã tròn đạo hiếu. Sau 5 năm lấy chồng, chị chưa một lần về quê chồng ăn tết, dù điều kiện dư dả. 

Trong khi đó, khi xem rất nhiều những đoạn phim ngắn về cuộc sống sau khi lấy chồng trên mạng, chị Kim Thư (quận Tân Bình, TPHCM) lại càng thấm thía hơn. Chị thấy mình không khác nhiều so với các nàng dâu trên phim là mấy. Ngoài vài lần gửi quà biếu, chị cũng chỉ có thể hỏi thăm nói chuyện đôi lời với bố mẹ đẻ, vì đã phải dồn toàn tâm trí, thời gian cho gia đình nhà chồng.  

Ngay từ đầu, khi bước chân vào cuộc hôn nhân, các cặp vợ chồng nên có những cuộc nói chuyện cởi mở, thẳng thắn, đặc biệt trong việc đối đáp với hai bên nội - ngoại nhằm tìm ra tiếng nói chung. 

Nghiêng về bên vợ, hay nghiêng về bên chồng, tùy thuộc quan điểm của mỗi người. Vì chúng ta không ở trong hoàn cảnh của mỗi gia đình nên không thể nhận định, hay đánh giá điều đó đúng - sai. Nhưng có một điều chắc chắn, việc trọng bên nào hơn cũng đều khiến mỗi cặp vợ chồng không cảm thấy thoải mái, chưa nói đến bố mẹ hai bên. Điều này nếu tiếp tục sẽ khiến chính người trong cuộc, dù là vợ hay chồng, cảm thấy mình bị yếu thế, dẫn đến ấm ức. Và lâu dần, nó sẽ ảnh hưởng đến hòa khí trong gia đình cũng như trong mối quan hệ với hai bên nội - ngoại, đặc biệt khi có con nhỏ. 

3. Thực tế, việc ứng xử trong gia đình chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng cũng không phải quá khó để tạo không khí đầm ấm, yêu thương. Điều này trước hết phụ thuộc vào chính cách ứng xử, thỏa thuận giữa hai vợ chồng. Chị Kim Thư thừa nhận, ngay từ đầu, bản thân chị đã học cách chấp nhận, để nhận được sự đồng cảm với chồng nhiều hơn. Tương tự, với chị Mai Hương, vì không thấy chồng, hay gia đình chồng lên tiếng nên luôn mặc định mọi thứ êm đẹp và mình đã cư xử không sai. 

Như chuyện thu xếp về thăm gia đình nội - ngoại, không phải ai cũng có điều kiện gần gia đình cả hai bên để về thường xuyên. Nếu ở quá xa hoặc điều kiện kinh tế không cho phép, có thể chọn như cách của chị Thùy Dung. Số lần về thăm nhà, số tiền hay quà biếu nhiều hay ít không quyết định tất cả. Quan trọng hơn là cách thể hiện sự hiếu thảo, bởi “của cho không bằng cách cho”. Hơn thế, trong thời buổi công nghệ thông tin ngày nay, sự kết nối ngày càng dễ dàng. Có thể thường xuyên gọi điện vừa để hỏi thăm cả bố mẹ, các anh chị em gia đình hai bên và đồng thời thông báo tình hình của gia đình. Ngày nay, nhiều gia đình thường lập các nhóm trên các mạng xã hội nên việc này càng đơn giản, nhưng góp phần gắn kết bền chặt hơn.     

Xét cho cùng, dù là gia đình nhỏ hay gia đình lớn, yếu tố tiên quyết để yên ấm, hòa thuận đều xuất phát từ sự quan tâm, yêu thương, sẻ chia. Coi gia đình nhà vợ, nhà chồng như chính máu mủ ruột thịt của mình cũng là cách để chúng ta dạy dỗ, làm gương cho chính con cái mình. Từ đó, những hạt mầm yêu thương sẽ ngày càng lan tỏa.

Tin cùng chuyên mục