Bến xe chuyển ra vỉa hè?

Khoảng 4 tháng nay, hai bên vỉa hè đường Mai Chí Thọ khu vực gần giao lộ Mai Chí Thọ - Trần Não (phường An Lợi Đông, quận 2, TPHCM) bỗng dưng  thành điểm đón, trả khách của nhiều hãng xe như Phương Trang, Toàn Thắng, Thiên Phú, Hoa Mai…
Điểm đón, trả khách tuyến cố định trên đường Mai Chí Thọ
Điểm đón, trả khách tuyến cố định trên đường Mai Chí Thọ
Bến xe chuyển ra vỉa hè? ảnh 1
Nhiều bạn đọc thắc mắc khi thấy vỉa hè bị chiếm dụng.
Xuất hiện điểm đón trả khách mới
Ban ngày, hàng chục xe trung chuyển và xe khách của các hãng này liên tục ra vào, đậu dưới lòng đường để chờ rước khách. Hãng xe Phương Trang còn cho căng mái che ở 2 điểm vỉa hè trên 2 chiều của đường Mai Chí Thọ, kê ghế để khách ngồi. Có cả đội nhân viên điều động xe trực tại đây. Chúng tôi thử gọi vào tổng đài hãng xe Phương Trang để đặt vé thì được nhân viên trực điện thoại báo: “Ra vỉa hè đường Mai Chí Thọ, có thể có xe đón tại đó luôn, còn không thì xe đưa rước sẽ đón và đưa đến các điểm đón khách khác của nhà xe”. Ngoài nhân viên nhà xe và hành khách, nơi đây còn tập trung hàng chục tài xế xe ôm, họ nháo nhào ra bắt khách mỗi khi có xe dừng trả khách. Ban ngày nhìn vào khu vực này, cảnh nhốn nháo không khác gì ở bến xe thực thụ, người ngồi, người đứng, xe vào ra liên tục, còn ban đêm thì nơi đây cũng là bến đậu của xe trống chuyến. Chị Vũ An Nhiên (ngụ quận 2) phản ánh: “Hàng ngày tôi đi làm trên tuyến đường Mai Chí Thọ, tôi rất bức xúc khi thấy hãng xe sử dụng lòng đường và vỉa hè để làm bến đón, trả khách gây mất an toàn giao thông”. Nhiều người thắc mắc không hiểu tại sao bến xe này hoạt động công khai trên vỉa hè, lòng đường mà không cơ quan nào chấn chỉnh, và lo ngại nơi đây sẽ phát triển thành bến xe bát nháo, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, mỹ quan đô thị ở cửa ngõ thành phố.Phục vụ vận tải hành khách tuyến cố định  Để có câu trả lời cho bạn đọc về việc điểm đón, trả khách này có được cấp phép không, phóng viên Báo SGGP đã liên hệ với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM. Theo ông Phạm Đình Đức, Trưởng Phòng Quản lý GTVT đường bộ, điểm mà xe Phương Trang, Toàn Thắng, Hoa Mai… đón trả khách thực ra không phải là bến cóc, mà là điểm đón trả khách phục vụ hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định được UBND TPHCM cho phép lập ra. Căn cứ các Thông tư 63/2014, 60/2015 của Bộ GT-VT thì có đủ cơ sở pháp lý để TP quyết định mở điểm đón trả khách này. UBND TP đã giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Công an TP, UBND các quận - huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, xác định các vị trí đủ điều kiện lập điểm đón, trả khách phục vụ hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định.  Ông Đức cho biết: “Sau khi Sở GTVT dẹp các bến xe tự phát trong trung tâm TP ở khu vực đường Lê Hồng Phong (quận 5), Nguyễn Thái Bình, Phó Đức Chính, Ký Con, Lê Thị Hồng Gấm (quận 1), các hãng xe lại “nhảy cóc” đi các tuyến đường khác, làm tình hình giao thông trong trung tâm vẫn bị ảnh hưởng. Qua khảo sát, Sở GTVT nhận thấy hành khách từ các quận 1, 2, 4… có nhu cầu đi các tỉnh như Phan Thiết, Vũng Tàu phải ngược lên Bến xe miền Tây đón xe, như vậy vừa mất thời gian, tiền bạc của dân, vừa tăng lượng xe lưu thông về khu vực phía Tây TP. Do vậy, ngày 21-3-2017, Sở GTVT ban hành Quyết định 1315 công bố đưa vào khai thác điểm đón, trả trách trên tuyến đường Mai Chí Thọ (quận 2) nhằm phục vụ vận tải hành khách tuyến cố định có điểm đầu và điểm cuối tại Bến xe miền Tây. Điểm đón trả khách tuyến cố định dành cho các hãng xe Phương Trang, Hoa Mai, Toàn Thắng… và phải là những tuyến chạy theo lộ trình Sở GTVT cho phép. Nếu chạy sai lộ trình thì nhà xe sẽ bị phạt.
Theo Sở GTVT TPHCM, ngoài cặp điểm đón trả khách tuyến cố định trên đường Mai Chí Thọ (quận 2), hiện sở còn lập 2 cặp điểm ở quận 9 và quận Thủ Đức, 1 điểm trên quốc lộ 22 - hướng từ An Sương vào TP. 

Từ khi đi vào hoạt động, các điểm đón trả khách tuyến cố định đã hỗ trợ rất nhiều trong việc chấn chỉnh tình trạng bến xe tự phát trong trung tâm TP, lập lại trật tự giao thông trên địa bàn quận 1, quận 5 và tận dụng được vị trí điểm đón ở các quận cửa ngõ của TP.
Để đảm bảo an ninh, sở lắp camera quan sát và tích hợp, truyền dữ liệu với hệ điều khiển của Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn để giám sát hoạt động đón, trả khách tại khu vực. Tại đây có lắp đặt mái che di động và nhà vệ sinh công cộng để phục vụ hành khách, lực lượng điều hành tại chỗ và đội xe ôm tự quản, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Các đơn vị vận tải xây dựng biểu đồ giờ hợp lý nhằm đảm bảo thời gian dừng đón trả khách theo quy định - không quá 3 phút. Sở phối hợp với UBND phường An Lợi Đông (quận 2) để quản lý lực lượng xe ôm tự quản, nhằm đảm bảo an ninh trật tự khu vực và không phát sinh tình trạng buôn bán hàng rong”.

Tin cùng chuyên mục