Bệnh còi xương, suy dinh dưỡng ở trẻ

Trẻ còi xương

Trẻ còi xương

Nhiều phụ huynh thắc mắc: “Vì sao con tôi ăn uống đầy đủ nhưng lại chậm mọc răng và lâu liền thóp?”. Đó có thể vì bé ít được tắm nắng nên tiền vitamin D dự trữ dưới da không được kích hoạt, dẫn đến cơ thể hạn chế hấp thu canxi làm ảnh hưởng tới răng và thóp.

Xưa nay, khi bé bị còi xương, cha mẹ cũng thường được bác sĩ khuyên nên cho bé tắm nắng để giúp cơ thể bé hấp thu được canxi. Thực phẩm mà bạn cho bé ăn hàng ngày như: sữa, trứng, thịt, cá, cua, tôm, gan, phô mai, các loại đậu, tảo, bơ, dầu, mỡ… cũng đem lại nhiều canxi và vitamin D ở dạng tiền chất (tức là chưa hoạt động).

Tia cực tím từ ánh nắng mặt trời sẽ giúp chuyển hóa tiền vitamin D dự trữ dưới da của bé thành vitamin D hoạt động, giúp tăng sự hấp thụ canxi ở ruột, tăng sự gắn kết canxi vào răng, xương, làm chắc răng và giúp xương phát triển, điều hòa canxi trong máu…

Biểu hiện có nguy cơ bị còi xương

Bé có thể vẫn đủ cân nặng và chiều cao, tuy nhiên phụ huynh cần chú ý các triệu chứng: răng chậm mọc, tóc rụng, hay giật mình, bứt rứt, ọc sữa. Ngủ không yên giấc, hay khóc đêm, đổ mồ hôi đầu. Xương bị mềm, dễ biến dạng như: đầu bẹp, lồng ngực gù, tay chân cong, trán dô, có 2 bướu ở đỉnh đầu, thóp chậm đóng; đặc biệt, tuy trẻ bụ bẫm nhưng cơ nhão… Ngoài ra, cơ thể còn giảm sức đề kháng, trẻ hay bị nhiễm trùng hô hấp. Nếu không điều trị kịp, bé sẽ còi xương thật sự như: bị tay cán vá, chân cong vòng kiềng, ngực dô hoặc lép...

Khi thấy bé có những biểu hiện trên bạn cần xem lại coi món ăn có đủ các chất cần thiết và phù hợp với lứa tuổi, sở thích của bé không? Mỗi ngày, trước 10 giờ sáng, bé có được cởi bỏ quần áo để phơi nắng 5 phút (với trẻ dưới 18 tháng) hoặc được chơi ngoài trời ít nhất 30 phút (với trẻ lớn hơn)? Đưa bé đến bác sĩ để được tư vấn hoặc chỉ định dùng thuốc. Đa số các bé khi có biểu hiện trên không phải chỉ còi xương mà còn có thể bị suy dinh dưỡng kèm theo bệnh nhiễm trùng khác do cơ thể giảm sức đề kháng.

Làm thế nào khi trẻ suy dinh dưỡng?

- Tăng số bữa ăn trong ngày: Cho trẻ ăn 5-6 bữa mỗi ngày, tức ngoài 3 bữa chính, cần thêm 2-3 bữa phụ bằng sữa, chè, bánh...

- Cho thêm chất béo vào thức ăn: Cho thêm 1-2 muỗng dầu ăn vào chén cháo cho trẻ nhỏ hoặc tăng các thức ăn chế biến nhiều chất béo, thức ăn chiên xào...

- Cho ăn đặc hơn: Bột đặc có năng lượng cao hơn bột lỏng hay cháo lỏng. Với trẻ đã đủ răng nên cho ăn cơm tán nhuyễn.

- Cho trẻ ăn bù sau giai đoạn bệnh.

- Tăng số lượng thức ăn trong mỗi bữa: ví dụ: Sau khi ăn 1/2 chén cơm, cho trẻ ăn 1/2 chén mì…; ăn thêm 1 hũ yaourt, 1 miếng phô mai... hay uống thêm 1 ly sữa.

- Sử dụng các thức ăn đặc biệt: Có thể cho trẻ ăn thêm một số loại thức ăn đặc biệt có năng lượng cao hơn thức ăn thông thường, ví dụ bột dinh dưỡng cao năng lượng PediaPlus với công thức tăng trưởng tối ưu, khá lý tưởng cho trẻ hấp thu tối đa các dưỡng chất để phát triển cả thể chất, trí tuệ và bắt kịp đà tăng trưởng so với các bạn đồng trang lứa.

BS QUỲNH NGA

Tin cùng chuyên mục