Theo Bộ Y tế, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có hơn 44.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 62 tỉnh, thành phố. Trong đó, đã ghi nhận 5 trường hợp tử vong tại khu vực phía Nam. Đặc trưng của bệnh này là sốt cao, loét trong khoang miệng, nổi ban, có bóng nước ở bàn tay, chân và mông.
Tại ĐBSCL, bệnh tay chân miệng đang tăng nhanh ở Đồng Tháp, An Giang và Hậu Giang. Virus gây bệnh chủ yếu là coxsakie ở mức độ nhẹ. Tính đến thời điểm hiện tại, Đồng Tháp có hơn 3.000 ca mắc bệnh tay chân miệng, 1 ca tử vong. Chỉ tính riêng tháng 10, Bệnh viện Đa khoa tỉnh này đã tiếp nhận và điều trị 420 bệnh nhi, trung bình mỗi ngày có 14 bé nhập viện, cao gấp 3 lần những tháng trước. Trong đó, có 60 ca từ độ 2B trở lên.
Tại Hậu Giang, Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, cho biết, nhằm khoanh vùng, khống chế dịch bệnh, đơn vị đã yêu cầu Trường Mẫu giáo Tân Bình 2, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp tạm đóng cửa để phun hóa chất phòng lây bệnh tay chân miệng ra diện rộng.
Tại một số tỉnh trong khu vực đã ghi nhận sự xuất hiện của chủng virus Enterovirus 71 có độc tố cao và có khả năng gây biến chứng trên não và tim, dẫn đến tử vong, nhưng số ca mắc chưa nhiều. Ngoài việc tăng cường dụng cụ y khoa, cơ số thuốc, y bác sĩ điều trị, các bệnh viện còn triển khai nhiều giải pháp để tránh lây chéo giữa các bệnh nhi.
Tại ĐBSCL, khoảng 80% các bé mắc bệnh tay chân miệng chưa đến trường, ở độ tuổi từ 1 - 3 tuổi. Virus gây bệnh có thể tồn lưu trong các vật dụng gia đình, đồ chơi trẻ em.
NGUYỄN THI - HIỀN TRANG