Bệnh tay chân miệng vẫn diễn biến phức tạp

Trước tình hình bệnh dịch tay chân miệng (TCM) vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, ngày 3-10, BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết đang tiếp tục cử các đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh này ở các quận huyện.

(SGGP).- Trước tình hình bệnh dịch tay chân miệng (TCM) vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, ngày 3-10, BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết đang tiếp tục cử các đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh này ở các quận huyện.

Theo BS Bỉnh, hiện bệnh TCM ở TPHCM chưa có dấu hiệu bùng phát trở lại do số ca mắc vẫn ở mức thấp so với đỉnh điểm tháng 5, 6 vừa qua. Hiện mỗi tuần vẫn ghi nhận khoảng 300 ca mắc thay vì hơn 500 ca như hồi cách nay 3 tháng. Đồng thời, số trường hợp tử vong cũng giảm hẳn và chỉ ghi nhận thêm một ca trong tháng vừa qua. Do đó, BS Bỉnh cho rằng chưa đến mức phải công bố dịch TCM. Tuy nhiên, hiện Sở Y tế vẫn tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đặc biệt là với Sở Giáo dục-Đào tạo giám sát chặt chẽ các trường học mầm non, mẫu giáo, chủ động tuyên truyền hướng dẫn rửa tay, vệ sinh thường xuyên phòng ngừa dịch bệnh. Đến nay TPHCM đã có gần 9.000 trường hợp mắc TCM với 25 ca tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, cho biết: Trưa 3-10, cháu N.A. (3 tuổi, ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đã tử vong do bệnh TCM. Cháu N.A. nhập viện vào sáng 1-10 trong tình trạng sốt, ói nhiều và tay chân nổi mụn nước. Tính đến ngày 3-10, toàn TP đã có 655 ca mắc bệnh, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Các địa phương khác ở ĐBSCL cũng đang phải chống chọi với tốc độ lây lan nhanh của bệnh TCM. Tại Đồng Tháp, đến nay đã có trên 3.000 ca mắc bệnh; trong đó, huyện Cao Lãnh mắc nhiều nhất với trên 700 ca, có 3 ca tử vong. Tại Hậu Giang, đã có trên 200 ca, hàng chục trường mầm non ở các huyện Vị Thủy, Phụng Hiệp, Châu Thành phải đóng cửa. Tại Bạc Liêu, đã có trên 500 ca mắc bệnh. Hiện tỉnh này đã phải tạm đóng cửa 3 trường mầm non trên địa bàn huyện Phước Long và TP Bạc Liêu. Ở Kiên Giang và Cà Mau, trong tuần qua, đã có 2 trường hợp trẻ tử vong do bệnh TCM.

Để phòng chống bệnh TCM lan rộng, UBND các tỉnh, TP ở ĐBSCL đã có công văn khẩn yêu cầu các ngành chức năng triển khai mọi biện pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh này; đồng thời, chỉ đạo ngành y tế tổ chức thực hiện giám sát, xử lý ổ dịch triệt để, không để lan rộng kéo dài.

G.PHÚ - Đ.TUYỂN

Tin cùng chuyên mục