Trong ngành nông nghiệp, chưa có nhiều mô hình về sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa nhà máy (NM) với nông dân như ngành mía đường (MĐ). Đầu tư vùng nguyên liệu, định mức giá sàn và mua hết mía, tùy lúc còn hỗ trợ phí vận chuyển… giúp nông dân yên tâm trồng mía. Đáng tiếc, đây lại là ngành có sức cạnh tranh yếu so các nước bởi năng suất mía bình quân vừa thấp, vừa tăng chậm, kém xa so với Thái Lan và Brazil, kể cả chất lượng mía cũng kém. Nhiều NM thường xuyên “ốm yếu”, nên một thời gian dài, không ít bộ ngành có cảm giác ngành này chỉ biết kêu ca. Vậy đến năm 2015, nếu vận dụng một số điều khoản là năm 2018, khi các quy định về AFTA có hiệu lực ngành MĐ sẽ thế nào? Chủ tịch Hiệp hội MĐ Việt Nam (VSSA) Nguyễn Thành Long cho rằng, đúng là khó khăn, để đứng vững phải đầu tư dài hơi, đa dạng hóa sản phẩm, nhưng nhiều NM như “con bệnh mãn tính”, lấy gì đầu tư? Thực ra, không ít doanh nghiệp (DN) chuẩn bị cho tiến trình này, trong đó Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi là điển hình. Không chỉ có sản phẩm đường mà công ty còn làm ra nhiều sản phẩm khác sau đường như: bánh kẹo, điện... Đặc biệt công ty có sản phẩm nước đậu nành với thương hiệu Vinasoy, chiếm thị phần cao trong nước. Doanh số năm 2012 của công ty 5.000 tỷ đồng, dự kiến năm 2013 là 6.000 tỷ đồng. Đây là mô hình mà các thành viên VSSA hướng đến.
Những khó khăn của ngành mía đường, bên cạnh sự yếu kém tự thân, xét cho cùng còn xuất phát từ chính sách chưa nhất quán tầm vĩ mô. Là ngành có sức cạnh tranh kém nên luôn bị đường nhập lậu tràn vào, chiếm hết 1/3 thị phần. Nếu nhà nước làm triệt để có thể giúp “con bệnh” thêm điều kiện hồi phục. Tình trạng tạm nhập tái xuất đường, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính đề nghị ngưng, nhưng Bộ Công thương cho rằng, để tạo thêm công ăn việc làm và quản lý được nên vẫn tiếp tục. Ngành hải quan cho biết, con số vi phạm phát hiện từ năm 2011 đến 6-2013 là 102 vụ, chủ yếu tiêu thụ trong nước. Điều này như cú đánh “thọc sườn”. Vấn đề nhập khẩu đường theo hạn ngạch, năm 2013 là 73.000 tấn như “chiếc bánh” Bộ Công thương phân bổ cho một số DN. Ở các nước đường nhập khẩu theo hạn ngạch phải đấu thầu, nhà nước sử dụng phần chênh lệch (vài trăm tỷ đồng) đầu tư lại cho người trồng mía như kết cấu hạ tầng, nghiên cứu và hỗ trợ giống cho bà con…
Cũng vì chính sách chưa hợp lý, DN sản xuất đường nhưng xuất khẩu phải xin phép, mất thời gian cả cơ hội nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài có cả trăm năm kinh nghiệm trở lên phải dứt áo ra đi như Bourbon Tây Ninh, Taste & Lyle hay tập đoàn hàng đầu về đường của Thái Lan Mir Phol… Mô hình mà Tập đoàn HAGL đầu tư về MĐ tại Lào được nhiều người ca ngợi, nhưng có người đặt câu hỏi, vì sao HAGL không đầu tư trồng mía và chế biến đường ở Việt Nam mà phải qua Lào. Hỏi cũng là trả lời!
ĐĂNG LÃM