Bệnh viện Chợ Rẫy: “Chưa bao giờ từ chối bệnh nhân nghèo”

Tăng viện phí là phù hợp thực tế
Bệnh viện Chợ Rẫy: “Chưa bao giờ từ chối bệnh nhân nghèo”

Ngày 2-10, Đoàn ĐBQH TPHCM đã có buổi làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy về công tác khám chữa bệnh, tình trạng quá tải…

Điều dưỡng Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: Mai Hải

Điều dưỡng Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: Mai Hải

Tăng viện phí là phù hợp thực tế

Tại TPHCM có 2 bệnh viện tuyến cuối thuộc Bộ Y tế là Chợ Rẫy, Thống Nhất đã được áp dụng viện phí mới từ 10-9. ĐBQH Nguyễn Văn Minh đặt vấn đề, theo Thông tư 04, mức viện phí mới Bệnh viện Chợ Rẫy đang áp dụng tăng bao nhiêu so với giá cũ? Đối với những bệnh nhân nghèo mắc bệnh mãn tính xử lý thế nào? Tại bệnh viện có xảy ra trường hợp bệnh nhân phải bỏ điều trị vì không có tiền chữa bệnh không?

Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng viện phí vừa tăng, nhưng thực tế chính sách viện phí ở nước ta hiện nay vẫn chưa tính đúng, tính đủ và còn nhiều bất hợp lý. Viện phí hiện nay chỉ bao gồm các khoản: vật tư y tế, điện, nước, công tác chống nhiễm khuẩn. Còn các khoản lương, đào tạo, cơ sở vật chất, chi phí bảo quản hư hao vật tư thiết bị chưa có trong danh mục chi trả. Giá vật tư, thuốc men, điện nước tăng lên nhưng viện phí cứ bình chân như vại. Việc tăng viện phí để phù hợp với thực tế điều trị là cần thiết. Thậm chí viện phí cần cập nhật kịp thời để Quỹ BHYT thanh toán cho người bệnh được hưởng đúng theo yêu cầu. Viện phí cần thực hiện theo cơ chế tính đúng tính đủ và theo lộ trình và phát triển chính sách an sinh xã hội để giúp những bệnh nhân nghèo. Vừa rồi chỉ điều chỉnh giá vật tư, thuốc men cho phù hợp với thực tế. Do 15 năm qua, cái gì cũng tăng, trừ viện phí. Giờ chúng ta tăng một lần khiến người bệnh “sốc”. Mức tăng viện phí của Bệnh viện Chợ Rẫy trung bình khoảng 85% đến 90%.

“Chúng tôi khẳng định, bệnh nhân bế tắc về tài chính nhưng không bế tắc về chuyên môn, chắc chắn sẽ được điều trị. Từ trước đến nay, Chợ Rẫy chưa từ chối điều trị bệnh nhân nào vì không có tiền. Những trường hợp bệnh nhân khó khăn không có khả năng thanh toán, bệnh viện đã có đơn vị Y xã hội bệnh viện xem xét hỗ trợ. Trong quý I năm 2012, với sự vận động các nhà hảo tâm, đơn vị Y xã hội đã giúp đỡ gần 2.000 lượt bệnh nhân với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng” - bác sĩ Nguyễn Văn Khôi, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, khẳng định.

Lý giải tình trạng viện phí không đủ chi nhưng tại sao vẫn kết dư, Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng đó là nhờ còn có một số khoản thu dịch vụ khác, như khám chữa bệnh dịch vụ. Tất cả các khoản thu này đều minh bạch và đóng thuế theo quy định. Trong đó có Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp - được dùng 20% chi trả vốn kích cầu. Số còn lại để xây dựng cơ sở vật chất như cải tạo xây dựng hệ thống nước thải, mở cơ sở mới và xây dựng cơ sở 2 tại huyện Bình Chánh.

Giảm phân nửa thời gian chờ

Trả lời những câu hỏi của các ĐBQH về giải pháp cho tình trạng quá tải, công tác phòng chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện,  Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: từ khi cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin đã có nhiều chuyển biến. Dù lượng bệnh nhân tăng nhưng bệnh viện vẫn giải quyết hết trong ngày. Thời gian chờ đợi khám bệnh giảm từ 6 - 7 giờ trước đây còn 3 - 4 giờ. Với hệ thống nối mạng, người bệnh khi đến khám chữa bệnh tại bệnh viện được liên thông từ phòng khám tới khoa phòng và khu xét nghiệm khoa dược… góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện đã hoàn thành và được đánh giá đảm bảo chất lượng.

Cùng ngày Đoàn ĐBQH TPHCM đã làm việc với Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Bệnh viện có tổng số 1.500 giường, số nhân lực đáp ứng phải 2.200 người nhưng hiện bệnh viện chỉ có khoảng 1.600 người (tức mới đạt 71% định mức biên chế do Bộ Y tế quy định). Bệnh viện còn gặp phải khó khăn khi hiện tượng “chảy máu chất xám” vẫn tái diễn, năm qua có 40 nhân viên y tế nghỉ việc trong khi các khoa Dinh dưỡng, Giải phẫu bệnh, Hồi sức đang rất cần bác sĩ.

Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục