Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn

Sau 3 năm đi vào hoạt động, BV Chợ Rẫy Phnom Penh ở Vương quốc Campuchia đã đạt được một số thành quả nhưng vẫn còn khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu và lãnh đạo TPHCM thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại BV Chợ Rẫy Phnom Penh
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu và lãnh đạo TPHCM thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại BV Chợ Rẫy Phnom Penh
Ban lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh đã nêu những khó khăn đang đặt ra với đoàn lãnh đạo TPHCM do đồng chí Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP, làm trưởng đoàn, trong chuyến làm việc với Hội đồng quản trị Công ty Liên doanh TNHH BV Chợ Rẫy Phnom Penh ở Vương quốc Campuchia vừa qua. 
Sẽ có lãi, nếu… 

Với tinh thần hợp tác hữu nghị và  xuất phát từ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân Campuchia, BV Chợ Rẫy Phnom Penh được khởi công vào năm 2010, hoạt động từ năm 2014. Quy mô BV Chợ Rẫy Phnom Penh 500 giường bệnh, hiện đã hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động với 200 giường bệnh; gồm các chuyên khoa nội, ngoại, nhi, sản, khu cấp cứu, khu khám đa khoa và điều trị ngoại trú, khoa chẩn đoán hình ảnh, khoa xét nghiệm... Ngoài cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu, công nghệ quản lý điều hành, đội ngũ nguồn nhân lực được sự trợ giúp từ các y, bác sĩ của BV Chợ Rẫy TPHCM và nhiều BV lớn khác tại TP. Để thêm thuận tiện cho người dân Campuchia không nhất thiết phải sang TPHCM chữa trị, mới đây, BV Chợ Rẫy Phnom Penh còn thêm 2 khoa mới là Điều trị hóa trị và Chạy thận nhân tạo.   

Sau 3 năm đi vào hoạt động, đến nay BV đã đạt những hiệu quả nhất định như số thu tăng dần qua từng năm, nhân lực được đào tạo tại chỗ và chuyển giao công nghệ cho các bác sĩ nước bạn… Các số liệu từ Hội đồng quản trị Công ty Liên doanh TNHH BV Chợ Rẫy Phnom Penh cho thấy, đến nay các bác sĩ Campuchia đã có thể đảm đương được toàn bộ mảng cấp cứu. Năm 2016 đã cấp cứu 4.568 ca; phẫu thuật trong quý 1-2017 cũng tăng 10% so với cùng kỳ 2016. Hầu hết các lĩnh vực được trên 90% người bệnh đánh giá hài lòng…

Tuy nhiên, theo Hội đồng quản trị BV này, hiện BV vẫn chưa có lãi, tức là đang trong giai đoạn từ lỗ nhiều sang lỗ ít và 2 năm nữa bắt đầu có lãi nếu các khó khăn được giải quyết. 

Xem xét cho vay bằng nguồn vốn kích cầu 

Những khó khăn thách thức đang đặt ra với BV là từ khi đi vào hoạt động đến nay chưa được tăng vốn đầu tư, giải ngân chậm, nguồn nhân lực tại chỗ không ổn định… Bên cạnh đó còn là sự cạnh tranh gay gắt từ các BV có vốn nước ngoài khác đang hoạt động ở Camphuchia. Các BV này luôn nâng cấp, trang bị thiết bị mới nên lãnh đạo BV Chợ Rẫy Phnom Penh  đã đề xuất thúc đẩy nhanh việc tăng vốn đầu tư, cơ cấu lại nợ, có chế độ khen thưởng, động viên với cán bộ y tế sang BV Chợ Rẫy Phnom Penh làm việc...  

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu đánh giá cao những kết quả mà đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của BV Chợ Rẫy Phnom Penh đã đạt được thời gian qua. Không chỉ giỏi tay nghề, chính sự ân cần, tận tụy phục vụ của đội ngũ này đã tạo niềm tin cho người bệnh. Hơn nữa, BV đã trở thành cầu nối thắt chặt mối quan hệ giữa 2 TP nói riêng và 2 nước nói chung. 

Với các kiến nghị đề xuất tăng vốn của ban lãnh đạo BV Chợ rẫy Phnom Penh, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu cho biết TPHCM đã gửi văn bản xin ý kiến Thủ tướng nhưng đến nay chưa có kết quả trả lời. Đồng chí Nguyễn Thị Thu đề nghị lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND TPHCM về việc xem xét cho BV vay bằng nguồn vốn kích cầu của TP nếu chờ đợi Trung ương trả lời quá lâu. Còn những kiến nghị về chế độ khen thưởng, động viên với cán bộ y tế sang BV Chợ Rẫy Phnom Penh làm việc, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu cho rằng: “Việc này không khó khăn, TP luôn sẵn sàng nhưng BV Chợ Rẫy Phnom Penh phải có những đề xuất cụ thể”.
Trong chuyến công tác này, đoàn lãnh đạo TPHCM cũng đến làm việc tại Tòa đô chính Phnom Penh Ông Pa Socheatevong, Đô trưởng thủ đô Phnom Penh, chân tình, thẳng thắn cho rằng: “Dù có nhiều kết quả nhưng thời gian qua, BV Chợ Rẫy Phnom Penh chưa phát huy hết tiềm năng của mình, nhiều ca bệnh nặng vẫn phải chuyển về TPHCM để điều trị hoặc đưa bác sĩ từ TPHCM sang, nên rất cần đầu tư thêm trang thiết bị, đào tạo nhân lực tại chỗ”. 

Tin cùng chuyên mục