Bếp của người tị nạn

THANH HẰNG
Bếp của người tị nạn

“Tôi vui lắm, rất vui khi thấy mọi người thưởng thức những món ăn tại cửa hàng do chúng tôi làm. Họ còn nói chúng rất ngon nữa”, Rachana hồ hởi khoe. Hàng ngày, công việc của cô là chuẩn bị các món ăn truyền thống của Nepal cho các khách hàng tại một căn bếp ở New York (Mỹ). Đối với Rachana, công việc này mang lại cho cô nhiều niềm tin hơn trong cuộc sống, sau thời gian phải sống tị nạn vất vả. Rời Nepal do tình trạng bạo lực, cô cùng gia đình đến Mỹ tìm cuộc sống mới nhưng bước đầu gặp rất nhiều khó khăn. Khác biệt về văn hóa, lối sống và cả ngôn ngữ giao tiếp khiến cô không thể tìm được một công việc lâu dài. Nhưng tất cả đã thay đổi nhờ sự hỗ trợ của Eat Offbeat, một công ty thực phẩm tại Mỹ, được thành lập dựa trên những ý tưởng khởi nghiệp độc đáo: Hỗ trợ những người tị nạn bằng cách giao nhà hàng cho họ làm việc. Sau thời gian hoạt động khá hiệu quả, Eat Offbeat đã mở thêm các chi nhánh tại California, Utah và Texas.

Nếu như 10 năm trước, Rachana khổ sở sống trong căn nhà trọ tồi tàn ở New York, bất đồng ngôn ngữ khiến cô luôn tự ti trước người bản địa, thì nay cô tự tin trong những việc mình làm. Không những thế, cô luôn động viên, truyền sự tự tin cho những người tị nạn cùng làm việc với mình rằng: “Đừng lo, bạn có thể làm mọi thứ bạn muốn”.

Một căn bếp Eat Offbeat tại New York

Sáng kiến của Eat Offbeat đã mang lại công việc cho hàng chục người tị nạn. Con số này tuy còn khiêm tốn nhưng đã góp phần giúp họ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Ban điều hành của Eat Offbeat hy vọng, mỗi món ăn của người tị nạn ra đời trong những căn bếp của công ty sẽ luôn được đón nhận vì sự đa dạng và độc đáo. Eat Offbeat còn triển khai ứng dụng đặt món ăn trên điện thoại thông minh để thu hút thêm nhiều thực khách mới và giúp thuận tiện hơn trong chọn món.

Một mô hình khác tương tự như Eat Offbeat là The Spice Kitchen đã ra đời tại Utah. Tại đây, những người tị nạn đến từ các nước có xung đột như Iraq, Somalia và Syria sẽ được học miễn phí cách kinh doanh các ngành hàng thực phẩm và học nấu ăn. Anh Nour, một người tị nạn đến từ Syria đã tự sáng tạo ra món ăn mang tên “Phương Đông gặp phương Tây”, chế biến từ các nguyên liệu như gà, gạo, thịt bò, gia vị truyền thống của Syria, chỉ sau vài tuần học tại The Spice Kitchen. Anh Nour cảm thấy rất tự hào vì món ăn của mình được mọi người khen ngợi. Anh và các bạn trong lớp chỉ hy vọng sẽ tìm được việc làm sau khi nhận tấm bằng tốt nghiệp của The Spice Kitchen trong thời gian tới.

Hiện nay, nước Mỹ vẫn đứng giữa hai lằn tranh cãi: ủng hộ hay từ chối những người tị nạn đến từ những nước có chiến tranh. Do sợ khủng bố, không ít người cho rằng, trong số những người tị nạn luôn có đám cực đoan sẵn sàng tấn công nước Mỹ. Vì thế, những mô hình như The Spice Kitchen và Eat Offbeat ra đời đang xóa dần các khoảng cách giữa người bản địa và người tị nạn. Dù gặp không ít nghi kỵ lẫn sự phản đối từ những người quá khích nhưng ban điều hành của hai dự án này vẫn luôn kiên trì đi theo kế hoạch ban đầu, là mang lại cuộc sống thật sự cho người tị nạn từ những căn bếp nhỏ.


THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục